Sóc Trăng: Những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của cựu chiến binh Khmer
Trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho CCB nghèo xã Long Phú.
Hội Cựu chiến binh xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có 206 hội viên, trong đó đồng bào dân tộc Khmer là 130 hội viên, chiếm 63%, sinh hoạt và phân bổ đều khắp tại 9 chi hội ấp, khu dân cư. Tình hình đời sống các hộ cựu chiến binh trong những năm qua gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ hội viên nghèo chiếm 8,73%, tỷ lệ hộ hội viên có mức sống khá, giàu chỉ chiếm hơn 10%, hộ hội viên nghèo là đồng bào dân tộc chiếm 14,56%. Tình trạng thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm ở mức cao.
Xuất phát từ tình hình trên, hội viên cựu chiến binh (chủ yếu là hội viên dân tộc Khmer) phải bỏ địa phương đi làm ăn xa ngày một nhiều, các phong trào, các hoạt động của hội ngày một giảm xuống. Từ năm 2018 đến nay, được sự chỉ đạo của huyện hội và cấp ủy địa phương, Ban Chấp hành hội xác định: Muốn xây dựng tổ chức hội thật sự trong sạch, vững mạnh, trước hết phải quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho cựu chiến binh, nhất là cựu chiến binh dân tộc Khmer, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hội và có sự phân công chỉ đạo cụ thể. Ban Chấp hành hội luôn động viên cán bộ, hội viên nêu cao ý chí tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn, khả năng lao động, khoa học kỷ thuật, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ. Đẩy mạnh các phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào góp vốn, góp quỹ hội và hình thành quỹ đồng đội ở cơ sở. Trong những năm qua, hội đã huy động được 3 tỷ 755 triệu đồng từ các nguồn cho 158 hộ cựu chiến binh vay xây dựng mô hình kinh tế hộ như: Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, trong đó vốn do hội viên đóng góp tương trợ được 9 tổ, với 155 thành viên tham gia, số tiền trên 160 triệu đồng, cho 38 lượt hội viên mượn không tính lãi; vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 1 tỷ 851 triệu đồng, có 66 hội viên vay để thực hiện các dự án phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm ổn định cho 250 lao động. Đặc biệt, hội tích cực phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hội viên. Từ nguồn vốn vay, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hộ như: Trồng nấm rơm, trồng màu, chăn nuôi heo nái, bò sinh sản, nuôi gà thả vườn và buôn bán nhỏ. Từ đó, kinh tế của các hộ cựu chiến binh hàng năm có thu nhập không ngừng tăng lên, đời sống hội viên từng bước được cải thiện đáng kể.
Từ những nỗ lực trên, chỉ trong ba năm qua (2018 đến năm 2020) đã giảm được hơn 20 hộ hội viên nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên từng bước được nâng lên, những hộ hội viên không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn xây dựng được nhà ở, mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh xã Long Phú chỉ còn 1 hộ nghèo, chiếm 0,48%, giảm 8,25% (so với cuối năm 2017), đặc biệt là hộ hội viên đồng bào Khmer không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, hội viên cựu chiến binh xã Long Phú có mức sống cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của địa phương. Qua đó đã góp phần tích cực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo của xã. Nhiều hộ hội viên đã trở về địa phương ổn định lao động sản xuất, tình trạng bỏ địa phương đi làm ăn xa hiện không còn, từ đó hội viên có điều kiện tham gia sinh hoạt hội và nhiệt tình tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Gương điển hình tiêu biểu cho nghị lực phấn đấu vươn lên, chiến thắng đói nghèo phải kể đến: Chi hội Cựu chiến binh ấp Bưng Thum; ấp Bưng Long; ấp Sóc Mới và ấp Kinh Ngang... là những chi hội có số hộ hội viên đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 90%, hiện nay hộ hội viên nghèo trong đồng bào Khmer không còn, những hộ khá giàu cứ tăng lên qua từng năm. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và của hội tranh thủ từ các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ ưu đãi để phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc Khmer..., sự nhiệt tình của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã vận động hội viên tham gia hùn vốn, góp quỹ, phối hợp với các ngành tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia câu lạc bộ..., từ đó thu hút nhiều hội viên tham gia sinh hoạt hội và công tác hội, đời sống hội viên từng bước được nâng lên. Tất cả hộ hội viên đều thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Điển hình như: Hội viên Trần Ương sinh hoạt tại Chi hội ấp Bưng Long; hội viên Sơn Lộc - Chi hội ấp Sóc Mới; hội viên Đào Đơ, Lâm Hoài, Đinh Ly-chi hội ấp Bưm Thum… khi lập gia đình chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng với nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ không ngại gian khó, siêng năng lao động sản xuất, từ việc đi làm thuê, mướn, biết chi tiêu tiết kiệm, dần tích lũy vốn để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phụ thêm… Chỉ với vài ba năm vất vả, những cựu chiến binh này đã dành dụm mua đất, sắm các phương tiện sản xuất, sinh hoạt, xây mới căn nhà khá khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Điều đáng trân trọng ở những cựu chiến binh Khmer này là: Không chỉ bản thân biết khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội cùng vượt khó vươn lên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ cây con giống, vật nuôi… nhiệt tình đóng góp quỹ đồng đội, quỹ khuyến học, luôn làm gương trong thực hiện công tác an sinh và phúc lợi xã hội, tạo việc làm và giúp đỡ thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế…
Từ những chính sách đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp là Hội Cựu chiến binh các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành, đoàn thể, Hội Cựu chiến binh xã Long Phú từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nhất là cựu chiến binh dân tộc Khmer. Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Long Phú Kim Chí Thiện đánh giá: Trong quá trình chỉ đạo có thể rút ra kinh nghiệm, với ý chí và nghị lực vươn lên quyết tâm chiến thắng đói nghèo là chưa đủ mà cần phải có kiến thức khoa học kỹ thuật, biết sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa các nguồn lực, đồng thời phải tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng mới tạo được sự thành công.
Sóc Ca