Còn sức khỏe còn đi tìm đồng đội

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương miêu tả cách xác định tọa độ khi đi tìm đồng đội.

Đó là lời khẳng định của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Sương khi chúng tôi nhắc đến những đồng đội của ông ở Trung đoàn 25 (Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên) năm xưa đã ngã xuống, giờ vẫn nằm lại nơi chiến trường.

Chúng tôi có mặt trong buổi công bố kết quả giám định ADN xác định danh tính 34 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 25 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc. Được chứng kiến cảm xúc vỡ òa của các gia đình liệt sĩ khi “gặp” lại thân nhân sau gần nửa thế kỷ kiếm tìm khiến chúng tôi cũng không kìm được cảm xúc. Hòa vào dòng người dâng hương, thành kính, biết ơn vô hạn đối với các liệt sĩ, chúng tôi thấy rất nhiều thân nhân liệt sĩ tìm gặp một người để cảm ơn trong niềm xúc động trào nước mắt. Người ấy là ông Nguyễn Ngọc Sương, nguyên trợ lý chính sách Trung đoàn 25. Ông Sương từng chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã góp công rất lớn trong việc tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.

Tìm gặp ông Sương, chúng tôi tới căn nhà nhỏ tại phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Tại đây, được nghe người CCB già trút bầu tâm sự, chúng tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị thiêng liêng của hai từ “đồng đội”. Gần 25 năm qua, từ khi về nghỉ hưu, ông Sương đã lặn lội xuôi ngược khắp các chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều địa phương và “gõ cửa” các cơ quan chức năng với mong muốn tìm kiếm, “trả lại tên" cho những đồng đội của mình đã hy sinh.

Chúng tôi khá bất ngờ khi được xem cuốn sổ của CCB Nguyễn Ngọc Sương. Trong cuốn sổ giấy đã ngả màu theo năm tháng nhưng các góc cạnh vẫn vuông vức, phẳng phiu, có thông tin chi tiết của từng liệt sĩ: Họ tên, quê quán, năm sinh, thời gian vào chiến trường, ngày hy sinh, trường hợp hy sinh, tọa độ mai táng ban đầu, rồi họ tên cha mẹ, vợ, con... Cuốn sổ như “bảo bối” đi tìm đồng đội này được ông Sương ghi chép tỉ mỉ từ năm 1973, trên cương vị trợ lý chính sách của đơn vị.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương (thứ hai, từ phải sang) và thân nhân liệt sĩ sau khi tìm được hài cốt (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Khi chúng tôi hỏi về những đồng đội còn nằm lại chiến trường xưa, CCB Nguyễn Ngọc Sương giãi bày: “Đồng đội cùng đơn vị với tôi có 376 người hy sinh tại các mặt trận. Sau bao năm cùng các cấp, các ngành, thân nhân liệt sĩ đi tìm kiếm, cất bốc, làm thủ tục đề nghị, hoàn thiện hồ sơ xét nghiệm ADN... đến nay mới quy tập được 295 bộ hài cốt; xác định danh tính được 220 đồng chí. Hiện nay, đơn vị còn 81 liệt sĩ chưa được quy tập và 75 bộ hài cốt chưa xác định được danh tính. Dù tuổi đã cao nhưng tôi xác định còn sức khỏe thì còn đi tìm đồng đội”.

Nhớ lại những chuyến đi tìm mộ của đồng đội, CCB Nguyễn Ngọc Sương kể, mặc dù đã có tọa độ nhưng việc tìm kiếm vẫn gặp những khó khăn do địa hình thay đổi rất nhiều. “Không ít lần tôi cùng mọi người phải kiên trì, quyết tâm đào bới cả chục ngày trời với hàng chục mét khối đất mới tìm được đồng đội. Cảm giác lúc đó không thể nói được thành lời, ai cũng bật khóc...”, ông Sương bùi ngùi.

Đến giờ, CCB Nguyễn Ngọc Sương không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyến đi tìm đồng đội. Chỉ biết hễ có người thân của liệt sĩ nhờ cậy, hay nghe thông tin phát hiện hài cốt liệt sĩ ở những khu vực đơn vị từng chiến đấu thì ông lại khẩn trương thu xếp mọi việc để lên đường. Dù đã rất nhiều lần trở về tay không nhưng ông vẫn không nản chí.

Đặc biệt, năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Sương rà soát, tổng hợp, phân tích các thông tin và bắt đầu hành trình đề nghị được giám định ADN cho các đồng đội là liệt sĩ tại Viện Pháp y Quân đội. Cũng từ đó, ông dành tiền lương hưu ngược xuôi ra Bắc, vào Nam, gõ cửa các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình với ước mong xác định được danh tính các đồng đội đã hy sinh. Đến năm 2018, sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cư M’gar (Đắc Lắc), các đơn vị liên quan đã có thông báo cụ thể đến 16 tỉnh, thành phố-nơi có thân nhân cùng huyết thống với liệt sĩ, được biết. 70 gia đình đã trực tiếp đến Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu sinh phẩm, nhưng chỉ có 45 trường hợp lấy mẫu đạt chất lượng. Kết quả cuối cùng đã xác định thành công danh tính liệt sĩ cho 34/45 gia đình. Với ông Sương, đây là niềm hạnh phúc không thể tả sau nhiều năm kiên trì thu thập, tìm kiếm thông tin về đồng đội. Ngày 15-12-2020, CCB Nguyễn Ngọc Sương đã được UBND tỉnh Đắc Lắc tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc.

Là anh trai của liệt sĩ Đinh Ngọc Toanh (liệt sĩ đã xác định được hài cốt trong đợt giám định ADN các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 25), Trung tướng Đinh Ngọc Duy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Để có thể xác định được hài cốt em tôi cũng như của các liệt sĩ cùng đơn vị, không thể không nhắc đến bác Sương. Từ trách nhiệm với công việc khi còn là trợ lý chính sách trong chiến đấu cho đến bây giờ, bác Sương luôn nhiệt tình, trách nhiệm với đồng đội, lăn lộn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, thân nhân liệt sĩ, góp phần rất quan trọng trong việc tìm kiếm và xác định danh tính liệt sĩ. Chúng tôi vô cùng biết ơn, cảm kích, ngưỡng mộ trước tấm lòng của bác Nguyễn Ngọc Sương đối với đồng đội”.

Không chỉ cung cấp thông tin, cùng các cấp, ngành, thân nhân liệt sĩ đi tìm kiếm, cất bốc, xác định danh tính của các liệt sĩ mà khi thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc về tỉnh Đắc Lắc để tiến hành tìm kiếm, CCB Nguyễn Ngọc Sương đều tiếp đón như người nhà. Khi xác định được danh tính liệt sĩ, ông Sương lại cùng gia đình làm các thủ tục và trực tiếp đưa đồng đội mình về nơi an nghỉ tại quê nhà. Cũng bởi sự chí nghĩa, chí tình này mà căn nhà nhỏ của ông thường xuyên có khách, khi thì người tới hỏi thông tin về liệt sĩ, lúc là thân nhân đồng đội tới thăm mỗi khi có dịp ngang qua TP Buôn Ma Thuột.

Tìm hiểu về người CCB luôn nặng tình, nặng nghĩa với đồng đội, chúng tôi được biết, ông Nguyễn Ngọc Sương sinh năm 1951, tại xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 19 tuổi, là chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 400. Sau đó, đơn vị này sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 25 thuộc Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, đóng quân tại vùng căn cứ H5 (huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc ngày nay). Trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, năm 1973, ông Sương được phân công làm trợ lý chính sách của Trung đoàn 25. Chính công việc này đã giúp ông nắm rõ thông tin về từng đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Sau giải phóng một thời gian, Trung đoàn 25 giải thể. Ông Sương rời đơn vị nhưng với tâm niệm sẽ quay lại chiến trường xưa tìm những đồng đội đã ngã xuống nên đã sao chép lại tất cả giấy tờ liên quan đến liệt sĩ của đơn vị và giữ gìn cẩn thận. Đó chính là cuốn sổ ngả màu mà ông Sương coi như "bảo bối" của mình.

Không chỉ trách nhiệm với những việc làm sâu nặng nghĩa tình, CCB Nguyễn Ngọc Sương còn rất mẫu mực trong cuộc sống, được nhân dân nơi ông cư trú (tổ dân phố 13, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) hết mực kính trọng. Từ năm 2000 đến nay, ông Sương luôn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố 13. Nhà nào hoàn cảnh khó khăn, ai có việc cần giúp đỡ là ông tới sẻ chia, động viên, nhiệt tình trợ giúp...

Đồng chí Nguyễn Thanh Bút, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 13, phường Tân Thành, chia sẻ: "CCB Nguyễn Ngọc Sương luôn gương mẫu, trách nhiệm với nhân dân và tập thể. Nhiều lần ông Sương xin nghỉ, thôi không làm tổ trưởng dân phố vì tuổi đã cao, nhưng bà con vẫn tín nhiệm, động viên ông tiếp tục làm. CCB Nguyễn Ngọc Sương thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở địa phương chúng tôi".

ĐOÀN VĂN NAM