Cần nghiêm trị đối tượng chống người thi hành công vụ
Bị cáo Trần Văn Hùng (sinh năm 1977, cư trú tại ấp An Hưng, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) bị tuyên phạt 1 năm tù về tội chống người thi hành công vụ (ảnh internet).
Hiện nay, dịch bệnh Covitd-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là ở T.P Hồ Chi Minh và một số tỉnh miền Nam. Biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên phải thực hiện giãn cách xã hội, với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao thì phải áp dụng lệnh phong tỏa, lập ra các chốt kiểm soát, nghiêm cấm việc ra vào khu vực phong tỏa để đảm bảo phòng, chống dịch có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì qua thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch; nhưng ở một số nơi còn có biểu hiện những tình trạng người dân chưa hợp tác cùng với lực lượng chức năng, không chấp hành những quy định các biện pháp chống dịch như đi ra ngoài khi không có lý do thật cần thiết, giả mạo giấy tờ của cơ quan chức năng để được thông chốt kiểm soát… Khi lực lượng chức năng nhắc nhở đã không thực hiện, lại cãi vã, đánh, chửi bới, nói những lời thiếu văn hóa với những cán bộ đang làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát kể cả chiến sĩ công an... Nghiêm trọng hơn là đã có những trường hợp người tham gia giao thông khi qua chốt kiểm soát bằng phương tiện cơ giới, chẳng những không chấp hành hiệu lệnh của cơ quan chức năng, không tuân thủ các quy định mà còn bỏ chạy hoặc đâm thẳng vào những cán bộ đang làm nhiệm vụ trực chốt, làm bị thương phải đi cấp cứu bệnh viện. Tình trạng tiêu cực trong việc cấp giấy tờ cho người dân trong phòng, chống dịch cũng đã xảy ra ở một vài cán bộ khi thi hành công vụ, cũng cần phải được sử lý nghiêm minh.
Có thể nói, thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và trên các tuyến đường giao thông gia tăng. Đây là hành vi rất đáng trách, đáng lên án, xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật của một số đối tượng, chủ yếu là các đối tượng còn trẻ tuổi, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu giáo dục.
Bởi vậy, những chế tài của pháp luật theo hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, với những hành vi chống người thi hành công vụ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì phải sử lý nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời.
Những chế tài của pháp luật đã thực thi nhiều biện pháp để ngăn chặn, trong đó chế tài hình sự là căn cứ để cải tạo, giáo dục những đối tượng này trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, phải có trách nhiệm với cộng đồng, đó là biện pháp cần thiết, cần thực hiện ngay trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra vẫn còn đang phức tạp ở nước ta, để mau chóng dập dịch, ổn đinh đời sống cho nhân dân, đẩy mạnh kinh tế ngày càng phát triển.
Hoàng Thân
Những quy định xử lý đối tượng vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19
1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính
Nếu người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại điểm c Khoản 3 Điều này.
2. Quy định về xử lý hình sự
Nếu người vi phạm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm
Chính Nhi (tổng hợp)