“Phân luồng” chống Covid-19
Hà Nội tăng cường kiểm tra người ra đường, đặt mục tiêu sớm kiểm soát dịch bệnh.
Sau nhiều đợt giãn cách xã hội liên tiếp, các địa phương chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh đang dần thay đổi phương thức, chuyển hướng trong công tác phòng, chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp, quyết tâm sớm kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi, thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Thay đổi phương thức phòng, chống dịch
Từ ngày 6-9, T.P Hà Nội bước vào giai đoạn chống dịch mới - việc giãn cách xã hội được thực hiện theo 3 vùng: Xanh, vàng, đỏ với các biện pháp ứng phó khác nhau. Để kiểm soát dịch bệnh lây lan, UBND T.P Hà Nội tổ chức 21 chốt kiểm soát loại 1 đặt tại các vị trí có mật độ giao thông cao do UBND thành phố quản lý, Công an Hà Nội, phối hợp với Sở GTVT, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở Y tế. Ngoài ra còn có 9 chốt loại 2 đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình do UBND các quận, huyện quản lý, 9 chốt loại 3 đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp do UBND xã, phường, thị trấn quản lý, chốt trưởng do công an đảm nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhân lực tham gia kiểm soát.
Theo quy định, 39 chốt trên có nhiệm vụ kiểm soát chặt tất cả người, phương tiện được vào, ra phân vùng 1, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu, có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ... Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Công tác phòng, chống dịch bệnh tại T.P Hồ Chí Minh cũng đang có những chuyển biến tích cực khi huyện Củ Chi và quận 7 là 2 địa phương đầu tiên của thành phố đã công bố kiểm soát được dịch Covid-19 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Nên cho biết: Đã chọn quận 7 và huyện Củ Chi làm điểm tiên phong, rút kinh nghiệm cho bước tiếp theo trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Cần giải pháp chống dịch căn cơ, an toàn
Đánh giá về những sự thay đổi trong phương thức chống dịch của Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh thay đổi phương thức chống dịch là cần thiết. Dù vậy, các giải pháp khi đưa ra cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi dịch bệnh lây lan chủ yếu trong không gian kín hoặc qua tiếp xúc gần đông người. Vì vậy, mọi giải pháp chống dịch đề ra phải tuân thủ nguyên tắc không để tập trung đông người, nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược.
Theo ông Dũng, việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới ở Hà Nội chưa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người, cấp phép qua mạng có thể tránh tình trạng đổ xô đến trụ sở cơ quan công quyền, nhưng vẫn chưa tránh được ùn ứ khi kiểm tra giấy tại các chốt. Với biến chủng Delta, nếu chỉ có một hai người trong số đám đông bị nhiễm thì sẽ lây lan cho rất nhiều người khác nên Hà Nội cần thiết lập các chốt kiểm soát tự động, người dân quét mã QR là có thể qua chốt. Khi đề ra bất kỳ giải pháp chống dịch nào cũng cần phải tính toán đến chi phí mà người dân, doanh nghiệp, chính quyền phải bỏ ra để thực thi.
Các giải pháp gây tốn kém thời gian, tiền bạc của các bên mà hiệu quả không đạt được thì cần loại bỏ ngay. Dịch bệnh là vấn đề cấp bách, các chính sách có thể không cần lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, nhưng bắt buộc phải đánh giá tác động. Thành phố nên đề ra các giải pháp chống dịch để người dân hiểu và đồng tình thực hiện, thay vì các biện pháp mang tính áp chế. Bởi hơn ai hết, người dân lo cho sức khỏe của mình đầu tiên, đại đa số có ý thức phòng, chống dịch. Các chính sách nên theo nguyên tắc này để đỡ tốn kém và gây phản ứng trong xã hội. Nếu áp dụng các biện pháp cực đoan sẽ không đủ nguồn lực để chống dịch lâu dài.
PGS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng, Bộ Y tế đánh giá: Hà Nội chia thành ba vùng để áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay là rất hợp lý. Sau một thời gian áp dụng Chỉ thị 16, Ngành Y tế Thủ đô xét nghiệm tầm soát diện rộng đã xác định được nguy cơ của từng vùng. Việc phân vùng giúp thành phố có giải pháp phù hợp, đáp ứng được tình hình thực tế...
Tại T.P Hồ Chí Minh, sau 2 tuần thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mang lại những hiệu quả nhất định, chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn mở cửa trở lại, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động từ 6 đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Nên cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm cộng đồng, công tác phân loại, điều trị F0 đạt kết quả bước đầu, góp phần làm thay đổi phương thức điều trị bệnh nhân Covid-19. Thành phố chọn quận 7 và huyện Củ Chi làm nơi thí điểm để các quận huyện khác thực hiện giải pháp chiến lược chuẩn bị cho giai đoạn sau 15-9.
Về chiến lược chuyển hóa địa bàn, kiểm soát vùng đỏ, mở rộng vùng xanh đã được các quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách, phát huy vai trò của trung tâm an sinh, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng xã hội hỗ trợ không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Các chiến lược tiếp tục phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, tuyệt đối không mở lại các hoạt động khi chưa an toàn.
Bài và ảnh: Võ Hóa