Tổng hợp COVID-19 ngày 24/8: Phó Thủ tướng trực tiếp chống dịch tại Bình Dương; thêm 10.811 ca nhiễm mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo chống dịch tại "điểm nóng" thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 24/8 được dư luận quan tâm gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại Bình Dương; Việt Nam có 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 275.085 liều vaccine được tiêm; TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 25/8 sử dụng giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông cấp mới; 20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại 'điểm nóng' Bình Dương
Ngày 24/8, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã đến thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương nơi đang “khóa chặt” 4 phường do lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng với mức độ rất cao.
Thị sát trực tiếp tại phường Thuận Giao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm các hộ gia đình tại khu dân cư Thuận Giao, thăm hỏi, chia sẻ với người dân trong vùng bị "khóa chặt, đông cứng" 15 ngày; động viên các gia đình chung tay cùng tỉnh vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Phó Thủ tướng đề nghị, chính quyền địa phương cần quan tâm sâu sát hơn nữa đến đời sống người dân trong khu vực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh kịp thời phân phát lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian sớm nhất để không có người dân nào phải chịu đói vì không có lương thực, thực phẩm.
Trực tiếp kiểm tra một số khu dân cư đang triển khai test nhanh kháng nguyên PCR nhằm truy vết, bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng tại phường An Phú, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế Bình Dương cần thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Đây là phương pháp giúp người dân an tâm và tránh việc phải chờ đợi lâu, tập trung đông làm lây lan dịch bệnh.
Thành phố Thuận An là một trong những “vùng đỏ đậm đặc” của tỉnh Bình Dương với 4 phường đang được “khóa chặt” 24/24 giờ để làm sạch F0 trong cộng đồng. Nhằm thực hiện hiệu quả trong 15 ngày, thành phố đã thực hiện lệnh cấm người dân ra khỏi nhà, cho tạm dừng hoạt động các cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng bình ổn giá; đồng thời cho phép doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được xuất nhập hàng hóa. Theo đó, các phường An Phú, Thuận Giao, Bình Hòa, Bình Chuẩn đẩy mạnh để sàng lọc tất cả người dân kể cả ngày lẫn đêm để truy tìm, bóc tách hết F0 trong thời gian 15 ngày giãn cách.
Đến nay, trong đợt dịch thứ 4, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ghi nhận trên 73.000 người mắc COVID-19, trong đó có hơn 600 trường hợp tử vong.
Việt Nam có 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 275.085 liều vaccine được tiêm
Từ 18 giờ 30 phút ngày 23/8 đến 18 giờ ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày, cả nước tiêm được thêm 275.085 liều vaccine phòng COVID-19.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 531 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 376 ca, Bình Dương tăng 445 ca, Đồng Nai tăng 176 ca, Long An tăng 5 ca, Khánh Hòa tăng 78 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (184.872 ca), Bình Dương (77.053 ca), Đồng Nai (19.110 ca), Long An (18.586 ca), Tiền Giang (7.836 ca).
Trong ngày 24/8, cả nước có 7.663 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 162.279 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 706 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
Ngày 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 348 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (292 ca), Bình Dương (35 ca), Đồng Nai (4 ca), Đồng Tháp (3 ca), Tiền Giang (3 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Sóc Trăng (2 ca), An Giang (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Ninh Thuận (1 ca), Quảng Nam (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Trong ngày 23/8 có 275.085 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.647.353 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều. Tính đến ngày 23/8, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 5,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 25/8 sử dụng giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông cấp mới
Công an TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát người được phép lưu thông trên đường theo các công văn 2796, 2800 và 2850 của UBND TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, từ 0 giờ ngày 25/8, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp, đổi giấy đi đường mới cho các đối tượng.
Theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, trước 0 giờ ngày 25/8, tất cả người được phép di chuyển trong 17 nhóm tại Công văn 2800 và nhóm bổ sung tại Công văn 2850 của UBND TP Hồ Chí Minh, phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp. TP Hồ Chí Minh sẽ cấp đổi giấy đi đường mới cho người dân từ ngày 25/8.
Các Sở, ngành TP Hồ Chí Minh sẽ là đầu mối tổng hợp số lượng người (được phép di chuyển) tại các đơn vị, cơ quan trực thuộc rồi gửi cho Công an TP Hồ Chí Minh cấp giấy, cụ thể là Phòng PC08 và công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
Các phòng có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường (mẫu mới) kèm chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành rồi điền vào theo thông tin trong mẫu và thực hiện. Sở, ngành sẽ căn cứ vào các nhóm được di chuyển tại Công văn 2800, 2796, 2850, sau đó tổng hợp số lượng, gửi danh sách đến Phòng PC08.
Sau 0 giờ ngày 25/8, không sử dụng mẫu giấy đi đường tại Công văn 2800, mà Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp giấy mới cho các đối tượng được phép lưu thông.
20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19
Trong Quyết định 4038/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế đã ban hành danh mục các bệnh nền nếu người dân mắc 1 trong số những bệnh này sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19.
Danh mục 20 bệnh nền gồm: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.
Vân Sơn