Suy thoái đạo đức từ biến tướng của đời sống tâm linh!
Xưa nay, chuyện thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên của các thế hệ người Việt Nam ta là việc làm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thành kính và biết ơn của con cháu đối với các đấng bề trên; là hành động biểu lộ sự tri ân đối với công lao của các bậc tiền nhân, thể hiện nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” của lớp hậu thế. Đó là những sinh hoạt tâm linh có tác dụng nhắc nhở, giáo dục con cháu phải luôn trân trọng, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phải luôn khắc ghi và làm theo sự khuyên bảo chí tình, chí nghĩa của các bậc tiền nhân.
Thế nhưng, trong thực tế đời sống cộng đồng những năm gần đây, cho thấy có rất nhiều người, nhiều gia đình đã làm cho đời sống tâm linh bị biến tướng thành một dạng mê tín dị đoan. Theo quan sát của nhiều người thì tình trạng đốt vàng mã có xu hướng ngày càng nhiều, lan rộng khắp cộng đồng, nhất là trong các dịp lễ hội, tết… Đáng lo ngại là chuyện cúng bái đã xâm nhập vào cả các cơ quan hành chính, đơn vị LLVT; việc bói toán cầu may, xem ngày không còn là điều xa lạ đối với rất nhiều cán bộ, đảng viên. Thế nên thực tiễn cuộc sống cũng đã xảy ra nhiều chuyện trêu ngươi: Người chết có tuổi đảng cao, lúc còn sống không theo đạo nào, nhưng khi chết thì con cháu họ dựng thêm một bàn thờ theo nghi lễ tôn giáo rồi rước thầy về tụng niệm dăm ba ngày. Vào dịp đón Tết cổ truyền, không ít thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo địa phương… đi lễ chùa cầu may, cầu được ban phước lộc, thậm chí người đứng đầu trong các tổ chức này “bật đèn xanh” ngấm ngầm tổ chức cúng bái ngay trong cơ quan mình (?!). Tệ đốt vàng mã, dọc theo tuyến đường của đám tang đi qua đang bị các cơ quan chức năng nhiều nơi phớt lờ gây phản cảm cho những ai quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư. Thậm chí đã tung tiền âm phủ lẫn lộn với tiền của Ngân hàng Nhà nước, bất chấp đó là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp giáo dục, có chế tài xử phạt để răn đe, chấn chỉnh.
Trong khi đó, bằng lý lẽ mê tín dị đoan, rất nhiều người quả quyết rằng “dương sao âm vậy” hoặc “xưa bày nay bắt chước”. Đó là biểu hiện rõ nét của trình độ nhận thức thấp kém khi nhìn nhận sự việc vừa thiếu tính khoa học, vừa “mù luật” không hơn không kém. Qua thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều gia đình khá giả khi có người thân qua đời thì sắm sửa hàng mã không thiếu thứ gì, từ xe hơi, nhà lầu và một số loại hình đồ dùng sinh hoạt khác với số tiền không hề nhỏ. Điều đó không còn là chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa” đơn thuần, mà nó thể hiện thói hợm hĩnh, trêu ngươi của những kẻ hãnh tiến, lắm tiền coi thường nếp sống văn hóa, văn minh, thậm chí xem thường pháp luật. Thử hỏi, ở những địa phương có nhiều cán bộ, đảng viên làm những việc phản văn hóa, trái với những điều cán bộ, đảng viên không được làm, thì việc tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với quần chúng nhân dân ra sao? Rồi thái độ tiên phong, gương mẫu của họ về vấn đề mang tính nhân văn này được thể hiện thế nào? Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đặt câu hỏi phải chăng là đã có sự suy thoái về đạo đức từ sự biến tướng của đời sống tâm linh?
Mai Mộng Tưởng