Cuộc chiến chống Covid-19: Cần chính sách linh hoạt và đồng bộ hơn
Tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” của người dân T.P Hồ Chí Minh.
Khi T.P Hồ Chí Minh thông báo tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16-8 đến hết ngày 15-9 theo tinh thần Chỉ thị số 16, thì lại xuất hiện dòng người đi xe máy chở theo vợ con, chất đầy hành lý, đồ đạc lỉnh kỉnh đổ ra đường để về quê gây ra cảnh ùn tắc trong nhiều giờ. Nghe theo lời khuyên của lực lượng chức năng, số người này quay trở lại nhà trọ trong nỗi lo lắng, hoang mang. Không việc làm, không thu nhập, lấy gì để trả tiền nhà, tiền điện nước và mua thực phẩm trong ít nhất 1 tháng nữa? Đây cũng là tình trạng tâm lý chung của những người lao động xa quê mất việc làm do dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thời gian qua, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh được nhân dân cả nước đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến chủng virus ngày một nguy hiểm khiến chúng ta buộc phải thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở yên đó”. Hành động bột phát tự ý đi khỏi nơi tạm trú là không đúng trong thời gian giãn cách, nhưng cũng đặt ra vấn đề cấp bách cần giải quyết để tình trạng này không tiếp diễn.
Đó là phải có những chính sách phù hợp, kịp thời.
Trong lĩnh vực y học, virus không phân biệt nạn nhân của nó là ai, nhưng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, virus lại gây thiệt hại lớn đối với những người nghèo và yếu thế bởi họ là những người chịu tác động cộng dồn của bệnh tật và đói nghèo. Vì vậy, các địa phương cần tích cực, chủ động thống kê những người lao động ngoại tỉnh, những người có hoàn cảnh khó khăn để vừa quản lý vừa hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Vừa qua, một trong những lý do chính khiến việc triển khai hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn chậm là do tình trạng thiếu cán bộ cơ sở. Việc lập danh sách người cần hỗ trợ được giao cho các Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ dân phố vì họ được xem là những người gần dân, nắm rõ tình trạng dân cư trên địa bàn. Hơn nữa, việc này giúp người dân không phải tự kê khai, làm đơn, phát sinh các thủ tục rườm rà để xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, bất cập xảy ra là do không phải cán bộ dân phố nào cũng mẫn cán, công tâm, có năng lực tổng hợp. Trong bối cảnh chung, một Khu trưởng dân phố hay Tổ trưởng tổ dân phố thường kiêm nhiệm Tổ trưởng tổ phòng, chống Covid, rồi kiêm thêm nhiệm vụ phát phiếu đi chợ cho bà con… nên sơ suất hay chậm trễ xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Đồng thời, các địa phương không nên có thái độ kỳ thị người ở vùng dịch hay chủ trương “be bờ” không cho người từ vùng dịch về để “né” dịch, vì như vậy sẽ khiến phát sinh các hành vi trốn tránh, khó kiểm soát dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng. Các tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ, lên kế hoạch đón người lao động mong muốn trở về quê và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Như tại T.P Hà Nội, ngày 15-8, Công an thành phố yêu cầu Công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình người dân, học sinh, sinh viên đang sinh sống, làm việc và học tập có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê và người dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hiện đang tạm trú tại các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về Hà Nội... Đây là một giải pháp nhân văn, hợp lý, hợp tình. Còn với Quảng Trị, qua khảo sát từ các huyện, thị, thành phố, có hơn 15.000 người dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tỉnh huy động nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách địa phương, để hỗ trợ 1 triệu đồng/người theo hình thức chuyển khoản trực tiếp.
Đang lúc dịch bệnh phức tạp, đa số chẳng ai muốn ra đường vì sợ nhiễm bệnh, thì một số người làm các công việc như nhân viên vệ sinh, nhân viên y tế, người vận chuyển vẫn hằng ngày cần mẫn thu gom rác thải, quét dọn tại các cơ sở y tế, mang lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Nếu không có họ thì chắc không thể “ai ở đâu ở yên đó” được. Và nếu họ có đời sống dư dả, chắc cũng không muốn ra ngoài để đối mặt với dịch bệnh. Vừa mới đây thôi, tại tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 9 ca nhiễm Covid-19 là nhân viên của Chi nhánh Viettel Post Lương Tài (huyện Lương Tài) sau 21 ngày tỉnh này không có ca dương tính mới. Hay có không ít nhân viên y tế nhiễm bệnh khi đang làm nhiệm vụ. Đây là thời điểm để xã hội có những đánh giá và nhìn nhận lại giá trị của người lao động trong những lĩnh vực này.
Để giảm tải cho hệ thống y tế, T.P Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà từ ngày 16-8-2021, với mô hình 3 tại chỗ: Xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ. Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch Covid-19.
Những giải pháp, chính sách đề ra sẽ đạt hiệu quả cao khi có sự đồng thuận, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc của mọi người dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, hướng tới trạng thái bình thường mới tốt đẹp hơn.
Hồ Thanh Hương