Hai cuốn sổ bất ly thân

Ông là Nguyễn Huy Bạo (2021)

Báo tháng 8 - Gặp ông trong lần tiếp xúc với CCB Trung đoàn tên lửa Nam Triệu, tôi vô cùng ấn tượng với hai cuốn sổ bạc màu thời gian mà ông mang theo. Ông là Nguyễn Huy Bạo, CCB phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, từng là chiến sĩ trắc thủ điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 72, Trung đoàn tên lửa 285 (đoàn Nam Triệu), Sư đoàn Phòng không 363.

Tò mò nhìn cuốn sổ ghi chép dày đặc bảng biểu, sơ đồ..., tôi hỏi chuyện thì được ông chia sẻ thì đây có thể coi là cuốn nhật ký hành trình, nơi ông ghi chép lại lịch trình những chặng đường hành quân, những chặng đường chiến đấu, các trận chiến ông đã tham gia, hay bảng thống kê những mốc ngày tháng tròn trăm chiếc máy bay Mỹ từng bị bắn hạ tại miền Bắc nước ta.

Năm 1966, rời Trường đại học Nông nghiệp sơ tán ở Cao Bằng, trong lớp sinh viên đầu tiên nhập ngũ được điều về đơn vị bộ đội Phòng không Hải Phòng, ông Nguyễn Huy Bạo, khi đó mới là một thanh niên tuổi đôi mươi, đã cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công, bảo vệ thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, T.P Hà Nội rồi cả Nghệ An...

An Lão, An Hải, An Hòa, An Hưng, Cát Bi, Kim Thành, Tân Thượng, Gia Lộc, Ngọ Dương, Thuận Sơn, Thanh Hương, Chương Mỹ, Trung Hà, rồi vào cả Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghệ An... đối với tôi bỗng trở nên gần gũi, thiêng liêng vô cùng qua nét bút đều, đẹp như chữ in của ông. Những trận địa ấy hiện lên trong suy nghĩ của tôi như một phần lịch sử oai hùng của dân tộc, với hình ảnh những người chiến sĩ hiên ngang giữa mưa bom bão đạn...

Tôi chưa được thấy một cuốn nhật ký chiến trường nào lại ghi chép cẩn thận và thống kê khoa học như vậy. Hỏi ông vì sao lại phải ghi chép chi tiết thế này - một người chưa từng biết đến chiến tranh như tôi cứ mong câu trả lời về một “sứ mệnh cao cả” nào đó của cuốn sổ. Nhưng không. Ông bảo ghi chép chỉ vì thích thế thôi, có lẽ đó là một thói quen của nhiều thanh niên trí thức thời đó.

Thế nhưng khi ghi lại những dấu mốc đó, chắc hẳn ông thấy tự hào về những gì bản thân và đồng đội đã làm được. Những chặng hành quân “nho nhỏ” cứ đôi ba ngày lại lên đường 10, 20, 38, 45, 63km... mà chỉ một trang ghi chép cộng lại đã thành tổng 500km. Ông bảo những chặng hành quân ngắn chủ yếu ở địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh; cứ đánh xong một trận lại thu hồi khí tài, hành quân đến trận địa mới; lại triển khai trận địa ngay trong đêm, kiểm tra thông số kỹ thuật, chờ máy bay địch. Cứ thường 3-4 giờ sáng là máy bay vào, nhất là những ngày trời trong, nắng đẹp là thế nào cũng có trận đánh. Đánh xong một trận lại nghỉ ngơi, thu hồi khí tài, chờ lệnh...

Cuộc đời người lính tên lửa luôn gắn liền với trận địa, hành quân, với vũ khí khí tài, niềm vui tự hào là những thành tích bắn rơi máy bay. Đó cũng là lý do khiến ông tìm hiểu thông tin và lập bảng thống kê “Những chặng đường chiến thắng”.

Theo ghi chép của ông, chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi là vào ngày 5-8-1964 tại Nghệ An. Tiếp đó năm 1965 ghi nhận từ các đơn vị tên lửa toàn miền Bắc, từ vĩ tuyến 20 trở ra, ngày 31-3 bắn rơi chiếc thứ 100 tại Hà Tĩnh, ngày 17-4 bắn rơi chiếc thứ 200 tại Quảng Bình... cho đến cuối trang ghi chép đó là mốc ngày 1-7-1969 ta đã bắn rơi chiếc thứ 3.300 tại Hà Tây. Tôi thật sự thảng thốt khi nhìn rõ từng con số đó. Cứ khoảng trung bình mỗi tháng lại có thêm 100 chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ. Từ cuốn sổ ghi chép của ông có thể hình dung miền Bắc nước ta những năm tháng ấy đã hứng lượng mưa bom dữ dội đến thế nào. Những con số đó cũng là chiến công hiển hách, oai hùng của người lính tên lửa mang màu áo Bộ đội Cụ Hồ.

Ông Bạo chia sẻ: Sau này khi ông được giao nhiệm vụ làm báo tường của đơn vị, việc thống kê số lượng máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc cũng được ông đưa vào bản tin để khích lệ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của anh em.

Bên cạnh cuốn sổ màu đỏ ghi chép hành trình chiến đấu, ông Bạo còn có riêng cuốn màu xanh là “Sổ thơ chiến trường”, nơi ông gửi gắm tâm tư tình cảm, kỷ niệm chiến trường qua những áng thơ, lời văn.

Đó là “Bầu trời và trận đánh của chúng tôi” - bản trường ca về sự gắn bó của những người lính tên lửa với bầu trời nơi đất mẹ mến thương, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù:

Khoảng trời của chúng tôi/ Bán kính gần bốn trăm cây số/ Thu vào tầm nhìn bằng chiếc đĩa to/ Khi máy bay Mỹ đến đây/ Khoảng trời dần khép lại/ Đưa kẻ thù vào vòng vây...

Những kỹ thuật tác chiến được chiến sĩ “lãng mạn hóa” qua những vần thơ dạt dào xúc cảm vẫn thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng:

Giặc trời muốn đọ sức ai hơn/ Che mắt ta bằng trò tung màn nhiễu đặc/ Nhưng chúng bất lực/ Bởi mắt ta là mắt ngọc/ Có ánh sáng Hồ Chí Minh chỉ đường/ Không trốn được ta, chúng tung nhiễu mạnh hơn/ Và khiếp sợ - chúng dùng trò lừa đảo/ Chúng tung ra mấy thằng “nhiễu ảo”/ Tín hiệu về, giống tín hiệu máy bay/ Đừng lừa ta, ta cứ “kẹp” chặt mày/ A mày sợ, lại giở trò cơ động/ Bổ nhào ư? thì ta đón lõng/ Luốn lách kiểu gì ta cũng “chiều” bay/ Năm cặp mắt nhìn - với ba đôi tay/ Đang kẹp chặt chúng vào khe tử...

Và sau những trận chiến cân não ấy, những chiến sĩ anh dũng can trường lại trở về với tình hậu phương ấm áp, bên tiếng hát mẹ ngân:

Những chiến sĩ trải qua bom đạn/ Mắt sáng ngời bắt trúng mục tiêu/ Đầu Xuân mới quây quần nghe mẹ hát/ Chiếc lều con ấm cúng tình hậu phương/ Anh trắc thủ bên ăng ten cao ngất/ Phát sóng ra cho đường đạn thật căng/ Bàn tay đã bao lần mở cao thế gấp/ Vỗ nhịp nhàng theo tiếng hát mẹ ngân...

Đáng tiếc, vì giới hạn chữ của một bài báo có hạn, tôi không thể trích thêm nhừng “giọt vàng” trong hai cuốn sổ ấy. Mới thấy chuyện từ những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình vừa nhiều, vừa là “vàng sa trong cát” để các thế hệ Thời đại Hồ Chí Minh khai quật.

Lê Na