Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao bò giống cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Bình.

Báo tháng 8 - Hơn 30 năm đất nước im tiếng súng, nhưng ông Diêm Trọng Thách, sinh năm 1951, tại xã Võ Cường (nay là phường Võ Cường), T.P Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chưa một ngày bình yên. Lần lượt 4 người con chào đời cứ tầm 8 tháng tuổi thì xuất hiện những triệu chứng lạ, quái ác vì di chứng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Nỗi đau của ông Thách cũng là nỗi đau của hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) ở Việt Nam hằng ngày phải gánh chịu. Các nạn nhân da cam đang rất cần sự sẻ chia, chung tay xoa dịu của cộng đồng.

Nỗi ám ảnh của nhân loại

Mỗi khi có khách đến thăm, ông Diêm Trọng Thách buồn vui lẫn lộn. Vui vì được sự quan tâm, sẻ chia của mọi người, các cấp, các ngành, nhưng buồn vì nghĩ đến các con, lòng ông lại thêm trĩu nặng. Ông Thách nghẹn ngào: “Nếu biết có ngày hôm nay, tôi thà chết ở chiến trường từ ngày ấy, chứ nhất quyết không lập gia đình để khỏi nhiễm sang con cái, thật khổ cho các cháu quá!”. Nghĩ vậy nhưng khi nhìn lại 4 đứa con đứt ruột đẻ ra thân hình tiều tụy không sức sống, rồi không ai chăm sóc, đỡ đần, vợ chồng ông Thách lại gạt nước mắt động viên nhau gắng gượng mà đứng dậy chăm sóc các con.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: “Ngày 10-8-1961, vụ phun rải chất độc hóa học đầu tiên do máy bay Mỹ tiến hành dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắc Tô, mở đầu chiến dịch khai quang kéo dài 10 năm, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó 61% là CĐDC, chứa 366kg dioxin. CĐDC/dioxin có khả năng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, như: ung thư da, đột biến gen, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản...; đặc biệt, nó có thể di truyền qua nhiều thế hệ”.

CĐDC/dioxin đã làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hiện nay, ở nước ta CĐDC/dioxin đã di truyền sang thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân. Hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC, trở thành nỗi ám ảnh của dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học đối với môi trường và con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả CĐDC. Hằng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Ngày 5-7- 2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Thiết thực giúp đỡ nạn nhân da cam

Bà Võ Thị Bưởi, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, T.P Đà Nẵng, vừa được Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố hỗ trợ xây nhà tình thương với số tiền 50 triệu đồng từ sự đóng góp của đoàn viên, hội viên. Người con của bà Bưởi bị thiểu năng trí tuệ, đi lại khó khăn và dị dạng do phơi nhiễm CĐDC từ những năm tháng bà Bưởi hoạt động trong địa bàn bị địch phun chất độc hóa học. Lâu nay, gia đình bà Bưởi ở nhờ trong khu nhà cũ dột nát, chưa tháo dỡ của ngành giáo dục huyện Hòa Vang. Trong ngôi nhà sắp sửa hoàn thành, người phụ nữ nghèo xúc động nói: “Đã gần cuối đời, tôi mới có ngôi nhà riêng; có nơi ở ổn định, tôi yên tâm làm ăn, chăm sóc con cái”.

Không chỉ riêng bà Võ Thị Bưởi mà hàng trăm gia đình nạn nhân CĐDC được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, phù hợp với hoàn cảnh, nguyện vọng của từng trường hợp. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin T.P Đà Nẵng đã vận động kinh phí xây dựng nhà tình thương và hỗ trợ sửa chữa nhà cho 8 hộ gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin; hỗ trợ xe lăn, xe đạp, phương tiện sinh kế cho 56 trường hợp; đồng thời vận động 400 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng, tặng các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, phong trào “Hành động vì Nạn nhân CĐDC Việt Nam” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, đã khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, góp phần tích cực vào việc chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân. Theo thống kê của T.Ư Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, đến nay, các cấp Hội đã vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.660 tỷ đồng; trong đó đã chi xây dựng gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ tết, khám chữa bệnh, vốn sản xuất... được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC thuộc T.Ư Hội và các tỉnh, thành phố. Đến nay, các trung tâm đã tổ chức xông hơi, giải độc, phục hồi sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân CĐDC, đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế.

Những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua đã khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tăng cường vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

Minh Anh