Không tự ý dùng thuốc chữa Covid-19 trên mạng
Khi dịch bùng phát mạnh ở hầu khắp các tỉnh, thành cả nước, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài thuốc điều trị Covid-19 tại nhà. Do tâm lý lo sợ, nhiều người đã làm theo mà không biết rằng điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các bài thuốc trị Covid-19 trên mạng như: Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cà phê giấm, xông 2 lần/ngày. Uống nước chanh nóng hằng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp. Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, thoa dầu gió vào lỗ mũi, hít dầu nhiều lần...
Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị Covid-19. Cụ thể, trong trường hợp người nhà F0, không triệu chứng và đến ngày thứ 5 đến 8 mà phát hiện triệu chứng khó thở, nặng ngực hãy tự điều trị cho người nhà theo đơn thuốc gồm: Medrol 16mg, uống 1 lần 1 viên; Salbutamol 4mg, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên; Theophyline 100mg uống 1-2 lần x 1 viên.
Một bài thuốc khác lại “tư vấn” với liệu trình dùng Paracetamol liều cao uống mỗi ngày kèm theo uống nước mật ong, chanh, sả, gừng và xông hơi.
Những bài viết này đã được nhiều người lan truyền, tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì không ai có thể kiểm chứng.
Liên quan đến bài thuốc điều trị bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính áp dụng cho việc điều trị Covid-19, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Đây là hành động nguy hiểm bởi bản chất tổn thương cơ bản ở 2 nhóm bệnh này là khác nhau. Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có cơ chế sinh bệnh là do sự co thắt và dày thành đường dẫn khí (khí quản) khiến bệnh nhân bị khó thở, cần dùng thuốc giảm co thắt, giảm viêm để giãn chúng ra. Còn tổn thương phổi cơ bản do Covid-19 là tổn thương nhu mô, do nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ, đặc biệt là mạch máu phổi vào ngày thứ 7-10 kể từ khi nhiễm bệnh. Hậu quả là phổi vẫn đưa không khí vào bình thường nhưng oxy không trao đổi được. Việc áp dụng phác đồ dùng corticoid và thuốc giãn phế quản trong trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí gây chết người nếu làm sai. Ngoài ra, các loại thuốc này nằm trong danh mục thuốc kê đơn, không được tự ý sử dụng.
Về việc dùng Paracetamol liều cao để điều trị Covid-19, TS, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo: Nếu dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol, dẫn tới tổng liều paracetamol hằng ngày vượt quá quy định sẽ dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết.
Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có tình trạng vàng da, chán ăn... tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Ngoài ra, lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim...
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol để chữa Covid-19. Do đó, người dân nên cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng.
Hoàng Hiền - (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế)