CCB Nguyễn Văn Nhân: Từ thợ gia công đến chủ doanh nghiệp giàu lòng nhân ái

Từ thợ gia công thành chủ doanh nghiệp

Trở về cuộc sống đời thường sau 32 năm quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Nhân quê An Tường, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, cùng vợ cũng là quân nhân nghỉ hưu, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Biết được ưu thế “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện…” để từng bước thoát nghèo, vợ chồng ông quyết định vào lập nghiệp ở đất Đồng Nai, bằng nghề đan đồ mây tre… Đây là cơ sở mà vợ ông được nghỉ hưu sớm đã chắt chiu, chuyên cần gây dựng.

Nhớ lại ngày đầu lập nghiệp, ông Nhân bùi ngùi bộc bạch: “Trở về cuộc sống đời thường với bộn bề khó khăn, tôi phải làm thêm nghề phụ để trang trải  cuộc sống. Sau nhiều ngày cùng vợ lăn lộn với công việc đan lát, tôi nhận thấy nghề này tuy vất vả nhưng dễ làm, chỉ cần tỷ mỉ và kiên trì là có thể làm ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng. Hơn nữa, nghề đan lát không đòi hỏi vốn lớn và thời gian nhất định, có thể tranh thủ làm bất cứ lúc nào…”.

Là thợ gia công hàng mây tre đan, ông Nhân thấy nhu cầu việc làm tại chỗ cho các gia đình ở cùng xóm phố rất lớn; trong khi địa phương chỉ có vài cơ sở nhỏ, mặt hàng nghèo, lại không ổn định; vì vậy ông chủ động tìm hiểu thêm và nhận việc làm từ một số công ty mây tre đan ở Bình Dương, vừa kiếm công việc, thu nhập thêm cho gia đình mình và cho cả bà con địa phương. Để làm được những mặt hàng mới, ông đã mày mò tự học bằng được rồi dạy cho bà con cùng làm.

Từ chỗ chỉ nhận làm hàng gia công, đến nhận thêm việc cho bà con cùng xóm phố, phương tiện vận chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào xe của công ty đặt hàng hoặc thuê ngoài, nhưng với đức tính kiêm cần “năng nhặt chặt bị”, ông Nhân dành dụm được một ít vốn, mua sắm một ô tô tải. Từ đó việc nhận hàng từ công ty hay nhận hàng của bà con để giao cho công ty chủ động, thuận lợi, tiết kiệm hơn.

Từ thực tiễn tổ chức sản xuất, ý tưởng thành lâp doanh nghiệp kinh doanh mây tre đan xuất khẩu từng bước định hình trong Nguyễn Văn Nhân. Do nhu cầu mở rộng sản xuất, ông mạnh dạn mua đất để xây dựng kho bãi và quyết định thành lập Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Tâm Văn Nhân vào năm 2005.

Biết bao khó khăn thử thách trong những ngày đầu thành lập công ty, nhưng được chính quyền địa phương giúp đỡ, ông thuê được đất ở khu công nghiệp Thạnh Phú - Vĩnh Cửu để xây dựng kho bãi. Được bạn hàng tin tưởng đặt hàng, ông nhanh chóng ổn định tổ chức sản xuất và trực tiếp đứng ra xuất bán sản phẩm ra nước ngoài. Hàng xuất khẩu của Công ty Tâm Văn Nhân được các đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Với chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, Công ty Tâm Văn Nhân có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, sản phẩm xuất bán trên 20 nước, chủ yếu là châu Âu. Đặc biệt, Công ty được các tổ chức quốc tế đại diện khách hàng đánh giá đạt tiêu chuẩn BSCI (thực hiện tốt trách nhiệm xã hội) và đạt tiêu chuẩn FQA (tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa xuất khẩu).

Từ một cơ sở sản xuất gia công gia đình, sau 15 năm xây dựng, phát triển, Công ty Tâm Văn Nhân đã có cơ sở kho bãi, trang bị vật chất khá đồng bộ. Doanh thu hằng năm của Công ty đạt gần 50 tỷ đồng; làm nghĩa vụ đóng góp ngân sách đúng quy định; bảo đảm việc làm cho trên 300 lao động làm việc tại Công ty với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và tạo điều kiện cho nhiều gia đình CCB, CQN, người lao động ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Thuận, Long An… làm gia công thời vụ; đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động, giúp cho hàng trăm gia đình thoát nghèo.

Trách nhiệm với hội viên CCB và người lao động

Cùng với không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, CCB Nguyễn Văn Nhân luôn gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới - đô thị văn minh và tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện. Ông Nhân tâm sự: “Khi sản xuất kinh doanh “có của ăn của để”, tôi luôn trăn trở về những CCB, TNXP một thời chấp nhận gian khổ, hy sinh, chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước, nhưng sau khi về với đời thường vì nhiều lý do mà đời sống còn nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ… Vì vậy, khi Hội CCB phát động phong trào chung tay xây dựng Nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho hội viên, tôi đã tích cực tham gia…”.

Hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm trong CCB, 5 năm qua, gia đình ông đã ủng hộ xây dựng 11 Nhà tình nghĩa, với tổng giá trị gần 600 triệu đồng. Với phong trào xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình ông đóng góp trên 1 tỷ đồng cho huyện Vĩnh Cửu nâng cấp đường giao thông nông thôn và 100 triệu đồng cho phường Thống Nhất, T.P Biên Hòa làm đường giao thông đô thị.

Thực hiện đạo lý tương thân tương ái, gia đình ông dành tặng hơn 1.000 suất quà (200.000-300.000 đồng/suất) cho các CCB, CQN và công nhân có khó khăn vào các dịp lễ, tết hoặc các đối tượng gặp thiên tai, hoạn nạn. Ông ủng hộ 60 triệu đồng cho Quỹ “Xóa đói giảm nghèo” của Hội CCB tỉnh; ủng hộ 50 triệu đồng cho Quỹ “Vì biển đảo”, 50 triệu đồng xây dựng Nhà khách CCB ở Điện Biên và 60 triệu đồng cho Quỹ “Khuyến học”…

“Tuy doanh nghiệp của vợ chồng tôi chưa phải là doanh nghiệp lớn, lợi nhuận chưa đáng là bao, nhưng với tất cả tình cảm, trách nhiệm với đồng bào, đồng đội còn khó khăn, tôi sẵn lòng giúp đỡ đúng với trách nhiệm, nghĩa tình của Bộ đội Cụ Hồ” - CCB Nguyễn Văn Nhân tâm sự.

Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội, từ năm 2015 đến nay, doanh nhân CCB Nguyễn Văn Nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen; được Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam tặng nhiều Bằng khen; là điển hình tiên tiến của Hội CCB tỉnh Đồng Nai trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2021.

Duy Nguyễn