Tướng Lê Hữu Đức và chuyện "vợ chồng Ngâu"
Báo tháng 7 - Mùa hè năm 1947, sau khi tôi bị thương nặng trong một trận đánh ở Đại Lộc, Quảng Nam, được đưa về điều trị ở bệnh xá Trung Phước, bị cắt cụt cánh tay trái, thì Đàm Liên - bạn gái tôi tới thăm và đã có một câu nói gần như thề nguyền: Chúng tôi đã thuộc về nhau.
Đàm Liên kém tôi 5 tuổi, quê Nam Dương, Nam Đàn, Nghệ An. Liên sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Anh trai Liên là Nguyễn Tiềm, tham gia cách mạng rất sớm. Đang học cấp II tại Trường Quốc học Vinh, Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư Tổng sinh hội Nghệ An. Tháng 10-1931, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất bầu Nguyễn Tiềm làm Bí thư Tỉnh ủy (Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Nghệ An). Năm 1931, anh được bổ sung vào Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền. Cuối năm 1931 anh bị địch bắt đưa lên giam ở nhà tù Lao Bảo và bị giết hại vào tháng 10-1932. Trước đó, Nguyễn Tiềm cùng các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Cung, Vương Thúc Oánh, Lê Duy Điếm và Trần Văn Phúc đã bị Tòa án Nam triều kết án tử hình vắng mặt.
Sớm giác ngộ cách mạng, mùa Thu năm 1945, đang học năm thứ tư Trường Đồng Khánh - Huế, Đàm Liên về quê tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương và được cử làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Nam Dương. Năm 1946, Liên được điều lên làm Bí thư Phụ nữ huyện Nam Đàn. Cũng năm đó, cô xung phong Nam tiến. Vào Quảng Nam, Liên được bổ sung vào Ban Chấp hành Phụ nữ huyện Đại Lộc và Làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện. Thời gian này, Tiểu đoàn của tôi cũng đang đứng chân ở Đại Lộc, chiến đấu cản bước quân địch đang tiến lên phía tây Quảng Nam theo đường 14. Trong hiệp đồng chiến đấu, chỉ huy đơn vị bộ đội và cán bộ địa phương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi công việc...
Đầu năm 1947, tôi gặp Đàm Liên trong một cuộc họp của chỉ huy đơn vị với cán bộ huyện. Sau mấy năm xa quê, nghe tiếng “quê mình xứ Nghệ” từ một cô gái mặn mà, duyên dáng, như hớp hồn tôi. Hai đứa cùng quê (tôi quê, Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), gặp nhau nơi đất khách quê người nên rất dễ làm quen. Dần dà tìm hiểu thêm bản thân và gia đình, càng hiểu nhau hơn. Rồi tình yêu đến với chúng tôi rất nhanh, nồng nàn, như duyên trời định vậy.
Tôi bị thương vừa được đưa về bệnh xá Trung Phước, đang được anh em băng bó sơ cứu, thì Đàm Liên tới thăm. Liên bộc bạch:
- Nghe mấy anh ở huyện báo tin, em lo quá, đến đây ngay!
- Anh thật có lỗi, làm em phải lo lắng - Tôi an ủi.
- Maitenant, Tous ta Toi (Bây giờ em là của anh tất cả) - Liên nói với tôi một câu bằng tiếng Pháp - như muốn dành riêng cho tôi, không muốn ai nghe, ai hiểu. Câu nói như một lời thề nguyền, làm cho tôi vô cùng xúc động, không bao giờ và không thể nào quên.
Được băng bó, lau rửa sạch sẽ, tôi nói để Liên an tâm là chỉ tổn thương phần mềm, chắc dăm bữa nửa tháng sẽ khỏi. Nhưng không ngờ con sảy nảy cái ung, kết cục thật oái oăm, vết thương bị nhiễm trùng và tôi đã bị cắt cụt cánh tay trái. Vì bệnh xá không có thuốc tê, y sĩ cắt tay tôi như cưa củi, đau đớn kinh hoàng, không thể nào tả nổi!
Vết thương tạm ổn, tôi trở lại đơn vị chiến đấu, làm Tiểu đoàn trưởng và sau đó được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn 126, tham gia đánh một số trận trên đèo Hải Vân. Sau khi Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập, tôi được điều lên làm Trưởng ban Tác chiến Phòng Tham mưu Liên khu. Khi tôi lên công tác ở Phòng Tham mưu Liên khu thì Đàm Liên được điều động lên làm công tác Đảng đoàn phụ nữ và là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Quảng Nam. Một thời gian sau, Liên làm Trưởng ban Phụ nữ - Thanh niên Liên khu 5.
Sau 3 năm, kể từ ngày quen biết rồi yêu nhau, điều kiện công tác và chiến đấu xa cách nhau, nên chúng tôi chủ yếu liên lạc với nhau bằng thư từ. Khi cả hai cùng lên cơ quan Liên khu công tác, cho dù tôi ở cơ quan quân sự, Liên ở dân sự, nhưng việc đi lại thăm nhau thuận lợi hơn. Thấy điều kiện cho phép, vả lại chiến tranh ngày một ác liệt hơn, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, nên chúng tôi báo cáo tổ chức cho làm lễ cưới.
Một chiều tháng 5-1950, đám cưới của tôi và Liên được Tỉnh hội Phụ nữ Quảng Nam tổ chức tại thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. Đám cưới thời chiến của lính thật đơn giản, đạm bạc; chỉ có tình cảm của người thân trong cơ quan, đơn vị là nồng hậu. Oái oăm nhất là thời gan này, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cũng như cơ quan của Liên đều ở nhờ nhà dân; lại không dám phiền hà bà con, bởi tập tục ở nông thôn cũng rất nặng nề, nên đêm tân hôn, vợ chồng tôi không có phòng cưới. Đám cưới kết thúc, người thân và bạn bè ra về, vợ chồng cầm tay nhau lang thang một vòng khắp thị xã, mỏi chân thì tìm chỗ ngồi tình tự một lúc. May mà đêm hè mát mẻ. Sáng ra, hai đứa bịn rịn chia tay mỗi đứa một ngả. Để rồi, dăm ba tháng, vợ chồng mới gặp nhau một vài lần. Những lần đó, gia đình nào tâm lý, thương tình, cho mượn manh chiếu hoặc chiếc nong phơi lúa để hai vợ chồng tôi nằm ngủ ngoài vườn; nếu không thì xem có đám nương nào bà con vừa gặt lúa, gò đồi, hay may mắn hơn kiếm được điếm canh nào đó bỏ trống... đều là “giường hạnh phúc” của vợ chồng tôi.
Nghĩ hoàn cảnh chiến tranh, thoát ly gia đình và quan niệm sống của chúng tôi cũng đơn giản, biết mình biết người, nên cả hai đều cảm thấy thoải mái, ấm cúng... Cũng có thể đều là học sinh, tiểu tư sản, vợ chồng tôi sống thiên về tình cảm, tế nhị, nội tâm, hiểu và thương nhau, nên nhẹ nhàng vượt qua mọi trở ngại nhỏ nhặt. Tuy vậy, nhiều lúc thấy một số anh em người miền Bắc vào công tác, lập gia đình với chị em trong này, có hậu phương vững chắc, có một tổ ấm gia đình đúng nghĩa, sinh con có bên ngoại nương tựa..., vợ chồng tôi cũng có chút chạnh lòng. Nhưng chút lấn cấn ấy cũng nhanh chóng tan biến, bởi cuộc sống, yêu cầu chiến đấu, công tác không cho phép chúng tôi toan tính riêng tư nhiều. Cảnh vợ chồng Ngâu (Ngưu Lang - Chức Nữ) của chúng tôi kéo dài cho đến giữa năm 1953, khi tôi và Liên được điều ra Bắc công tác...
Trung tướng LÊ HỮU ĐỨC kể; DUY TƯỜNG ghi