Châu Âu băng giá
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Pháp ngày 19/8/2019. Ảnh: TASS.
Báo tháng 7 - Hy vọng quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tan băng sau Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24 và 25-6 vừa qua đã trở thành nỗi thất vọng khi đề xuất của Đức và Pháp nhằm tổ chức một cuộc đối thoại giữa Nga và EU bị bác bỏ. Như vậy, quan hệ giữa Nga và EU sẽ tiếp tục chìm trong băng giá, nếu không nói là sẽ tiếp tục xấu đi, trong một thời gian dài.
Cuộc đối thoại tại Geneva, Thuỵ Sĩ, hôm 16-6 kéo dài ba giờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thống thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Biden đã nhen lên hy vọng cải thiện cả mối quan hệ giữa Nga và EU. Dù vẫn còn một số quan điểm bất đồng, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao giá trị cuộc gặp, và đồng ý thiết lập các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng nhằm ổn định chiến lược và tìm kiếm khả năng ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới. Chính vì vậy, Đức và Pháp đã đưa ra đề xuất sớm tổ chức một cuộc đối thoại như vậy với lập luận ông Biden và Putin có thể đối thoại được thì tại sao EU và Nga không thể làm như thế. Buồn thay, thực tế thì điều không thể vẫn là không thể bởi cho dù Đức và Pháp là hai nền kinh tế mạnh nhất EU thì tiếng nói của những nước còn lại vẫn có trọng lượng và quan trọng hơn: lợi ích của các nước thành viên EU trong quan hệ với Nga lại khác nhau rõ rệt.
Từ năm 2014, quan hệ giữa Nga và EU đã dần đóng băng. Hai bên liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau liên quan đến nhiều vấn đề như cuộc xung đột tại Ukraine, vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc ở Anh, vụ nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc, bắt giữ...Chính vì vậy, mối quan hệ với Nga luôn là chủ đề được EU đề cập tại các hội nghị thượng đỉnh của khối kể từ năm 2014, thời gian đánh dấu căng thẳng hai bên leo thang liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu ý dân tại vùng lãnh thổ này. Trước đó, trụ cột trong mối quan hệ của EU với Nga là hội nghị thượng đỉnh hằng năm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Thực tế là, quan hệ Nga-EU chẳng những không được cải thiện mà ngày càng “lao dốc không phanh”. Từ đầu năm nay, quan hệ đôi bên đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với hàng loạt vụ Nga và các nước thành viên EU như CH Séc, Ba Lan, Hà Lan, Italy, Đức, Thụy Điển Estonia, Latvia, Litva, Slovakia... liên tục trục xuất nhân viên của nhau theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”. Thậm chí, sau cuộc tiếp xúc hiếm hoi cấp ngoại giao giữa hai bên hồi tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov gọi EU là một "đối tác không đáng tin cậy", còn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell thừa nhận cuộc gặp cho thấy EU và Nga đang rời xa nhau. Quan hệ ngoại giao song phương như vậy coi như đã bị cắt đứt và rõ ràng đã rơi vào trạng thái Chiến tranh Lạnh kiểu mới.
Cho dù vậy, Nga và EU đều biết mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và nhiều nhà lãnh đạo các nước EU công khai thừa nhận rằng không thể bỏ qua vai trò của Nga trong việc định hình một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu. Bởi vậy việc làm tan băng mối quan hệ Đông - Tây và đối thoại chiến lược với Nga là lựa chọn cần ưu tiên. Bên cạnh đó là những lợi ích về kinh tế, năng lượng... đối với EU. Trên quan điểm này, việc Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu EU, đề xuất vấn đề “cài đặt lại” quan hệ với Nga, trước hết là thông qua khôi phục đối thoại, không phải là động thái bất ngờ. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cho rằng trên thực tế, Nga là một quốc gia quá quan trọng đối với an ninh của châu Âu nên không nên không thể bị bỏ qua hoặc bị gạt ra ngoài lề.
Đề xuất của Đức và Pháp là đúng nhưng khó có thể xảy ra chính bởi sự phản đối của các quốc gia vùng Baltic, Thụy Điển, Ba Lan và Hà Lan. Các quốc gia ở "sườn phía Đông" của châu Âu thực sự “thù địch” với bất cứ điều gì có thể giống với chính sách "xoa dịu" đối với Moscow, vì thế không thể nào chấp nhận ý tưởng mang tính hòa giải của hai cường quốc trong khối. Lãnh đạo các nước này cho rằng “còn quá sớm" để nối lại đối thoại với Moscow, điều đó có thể “phát đi tín hiệu sai” và giảm nhẹ tác động của những biện pháp trừng phạt chống Nga, đồng thời yêu cầu một sự thay đổi rõ rệt hơn từ Nga.
Như lường trước thực tế này, Đức và Pháp luôn chủ động trọng việc xây dựng mối quan hệ song phương với Nga, thay vì cả khối EU. Các kênh đối thoại giữa Pháp, Đức với Nga chưa bao giờ bị cắt đứt. Tổng thống Pháp đã tiếp Tổng thống Nga vào năm 2019 tại Bregançon (Pháp). Thủ tướng Đức - Angela Merkel gặp ông Putin vào tháng 1-2020. Cả ba đã điện đàm hồi tháng 3-2020. Thủ tướng Merkel cũng đã kiên quyết từ chối việc ngừng xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) với Nga trong những thời điểm căng thẳng. Trên bình diện EU, tháng 2 năm nay, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Borrell đã tới Moskva gặp Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov. Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel cũng đã có cuộc gặp với ông Putin vào ngày 7-6. Đây là những lý do khiến cả Paris và Berlin đã đề xuất đối thoại với Nga nhằm tạo ra sự cân bằng quyền lực thuận lợi hơn.
Về phần mình, Nga cũng đã chủ động chìa “cành ô-liu hoà bình”. Trong bài viết nhân kỷ niệm 80 năm ngày bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (22-6-1941 - 22-6-2021), Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga mong muốn khôi phục quan hệ đối tác toàn diện với EU vì hai bên có nhiều lợi ích chung, trong đó có vấn đề an ninh, ổn định chiến lược, chăm sóc y tế và giáo dục, số hóa, năng lượng, văn hóa, khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề khí hậu và môi trường. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng chỉ ra sự xuống cấp trong hệ thống an ninh của châu Âu và nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng. Ông lưu ý rằng Nga và EU đang mất đi những cơ hội mà lẽ ra hai bên có thể có được nếu hợp tác.
Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov ngày 26-5 cho rằng EU vẫn thiếu quyết tâm chính trị nhằm xây dựng các mối quan hệ bình thường với Moscow. Theo nhà ngoại giao Nga, những tuyên bố về việc các kênh đối thoại vẫn được để ngỏ đã được đưa ra nhiều lần. Ông khẳng định: “Tuy vậy, hành động này là không đủ để bình thường hóa các mối quan hệ của chúng tôi. Các đối tác của chúng tôi cần phải có một quyết tâm chính trị để đảo ngược xu hướng tiêu cực, nhưng chẳng có bất kỳ quyết tâm nào vào lúc này”.
Khi mà các kênh đối thoại để ngỏ vẫn chỉ là để ngỏ, trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter sau hội nghị EU ngày 25-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel xác nhận EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, tới ngày 31-1-2022. Cơ hội đối thoại để cải thiện quan hệ song phương đã bị vuột mất lại thêm các đòn trừng phạt tiếp tục giáng vào nhau dẫn đến thực tế là quan hệ Nga-EU sẽ tiếp tục chìm trong băng giá.
Thanh Huyền