Văn hóa doanh nghiệp khởi nguồn từ một tâm hồn thơ

Báo tháng 7 - Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư và đại biểu Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Đại sứ quán Cu Ba dự lễ ra mắt sách "Fidel Castro và Việt Nam - Những kỷ niệm không quên" do Tập đoàn Thái Bình Dương phối hợp tổ chức biên soạn, tháng 6-2020.

Từ một tâm hồn thơ sâu lắng

Phan Văn Quý - một “Tuấn mã Trường Sơn” sớm trở thành Anh hùng LLVTND; một doanh nhân thành đạt, tự ứng cử và trở thành chính khách - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, một “Mạnh Thường Quân” của nhiều chương trình văn hóa - xã hội..., có thể được nhiều người biết. Nhưng biết đến anh như một “Người thơ” thì có lẽ không nhiều. Được gần anh, rồi qua sách báo viết về anh và Tập đoàn Thái Bình Dương mà anh trên cương vị Chủ tịch HĐQT, càng ngày tôi càng ngộ ra: Ẩn sau chân dung một Anh hùng, một doanh nhân thành đạt là một tâm hồn thấm đẫm nhân văn, thi ca. Trong tôi luôn hiển hiện một Phan Văn Quý:

“Tuấn mã Trường Sơn” rạng danh Anh hùng

Làm kinh tế sánh vai cùng bầu bạn

“Vẫn là lính” mà thương trường tỏa sáng

Một tâm hồn sâu lắng họa cùng thơ.

Trước tiên, phải khẳng định anh Quý chưa là một nhà thơ chuyên nghiệp. Có thể chiến tranh đã chọn rồi trao cho anh sứ mệnh làm một “Tuấn mã Trường Sơn” để anh sớm trở thành Anh hùng; hay thời hậu chiến với biết bao lo toan về kinh tế - xã hội đã không cho anh bén duyên với “nàng thơ”, để anh trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng hẳn nhiều người đồng ý với tôi là tâm hồn Phan Văn Quý thấm đẫm chất thơ; con tim nhạy cảm của anh rất dễ rung lên, rất dễ biến những xúc cảm tự nhiên thành những vần thơ dung dị ngọt ngào, giàu thi tứ...

Vỏn vẹn một chùm 15 bài thơ được chọn trong gia tài thơ của anh, đăng trong cuốn sách “Vẫn là người lính”, tuy chưa là tất cả, nhưng cũng nói được nhiều điều, nhiều ý tưởng, tình cảm của anh. Đó là lý tưởng sống, là tình yêu gia đình, quê hương, đất nước...

Trước tiên và xuyên suốt chùm thơ của Phan Văn Quý là lý tưởng sống của anh cũng là của thế hệ trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ, thắng Mỹ. Với bài thơ “Vượt Đèo Ngang” mở đầu chùm thơ, viết vào ngày đầu nhập ngũ - cuối năm 1971 (PVQ) cũng là ngày anh lên đường vào Nam đánh Mỹ, tôi không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí giật mình nể phục, bởi một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tạm gác bút nghiên để ra trận mà lý tưởng sống sáng trong, vững chãi, được ngân lên bởi những vần thơ hào sảng vô cùng:

“...Đến chân Đèo Ngang ta hát bài ca “Đất nước”

Trên đỉnh Đèo Ngang ta hát bài “Tổ quốc yêu thương”

Vượt Đèo Ngang rồi ta hát bài “Vì miền Nam phía trước”

Tiếng súng vọng về ta chào tạm biệt Đèo Ngang!”.

Phải chăng anh Quý xem “Vượt Đèo Ngang” theo tiếng gọi của miền Nam yêu dấu, như chính vượt thử thách đầu tiên của cuộc đời, khẳng định lý tưởng sống là dấn thân cho sự nghiệp cách mạng. Để rồi liền đó, hai tiếng “Phía trước” xuất hiện với tần suất khá dày trong thơ anh:

“... Xe ta đi, vì phía trước, ta đã thề

... Xe ta đi, vì phía trước xe ta đi

... Tắt đèn ta đi, đi về phía trước"...

(Niềm vui bên vành tay lái)

Cùng với khẳng định lý tưởng sống, Phan Văn Quý còn gửi vào thơ tình yêu gia đình, quê hương đất nước, tình bạn bè, đồng chí. Dọc những cung đường Trường Sơn, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, anh luôn mang theo bên vành tay lái:

“... Làng quê thân yêu, đồng lúa, cửa nhà

Tấm áo vá, lưng còm cõi mẹ cha

Lời tạm biệt của người thân lúc ta lên đường đánh Mỹ...”.

(Niềm vui bên vành tay lái)

Hay:

“Rừng già trưa vắng nắng chang chang

Chiếu rải gầm xe nhớ về làng

Bóng ai thấp thoáng sau lối rẽ

Sóng dậy trong lòng cứ mênh mang...”.

(Lá thư viết dưới gầm xe)

Đa phần thơ của anh Quý nảy sinh từ trực giác cảm xúc; con tim rất dễ rung lên tự nhiên trước những vui buồn, thăng hoa của cuộc sống; nhưng không thiếu hình ảnh, âm sắc, vần điệu...

Có thể rung cảm trực giác thành thơ, nhưng phải chăng thơ đến với anh Quý là hoàn toàn ngẫu nhiên? Thưa không! Thời học sinh lớp 7, cuối cấp II phổ thông, anh đã từng “ẵm” giải Nhì học sinh giỏi văn toàn tỉnh Nghệ An. Chắc chắn, sau khi vào Trường Sơn, tâm hồn thơ của anh đã được thực tiễn hào hùng của cuộc chiến “tiếp lửa” và được các nhà thơ Trường Sơn: Phạm Tiến Duật, Trọng Khoát tiếp sức...

Đến người tạo lập Văn hóa doanh nghiệp

Vinh dự được đồng hành cùng anh Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương trong khá dài thời gian và nhiều sự kiện, cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ hình tượng “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa...” của anh Quý chính là “tiền tố” hình thành nên Văn hóa của Tập đoàn Thái Bình Dương - một mẫu hình văn hóa doanh nghiệp - doanh nhân đặc biệt. Với Thái Bình Dương - một tập đoàn kinh tế tư nhân thuộc nhóm dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Công nghiệp - Tổng thầu, thì lõi văn hóa luôn được xác định: “Thước đo văn hóa doanh nghiệp là Nhân văn. Người lao động là gốc rễ, biết sẻ chia cộng đồng, tạo hài hòa, bền vững.”

Gần gũi với nhiều cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Thái Bình Dương, tôi ý thức được Tập đoàn luôn lấy người lao động là gốc, là mục đích tối thượng hướng tới. Ở đây, mọi cán bộ, nhân viên đều được tạo mọi điều kiện để bồi đắp kiến thức và phát huy hết năng lực, nhiệt huyết của mình vì Tập đoàn; đồng thời, họ được chăm lo, bảo đảm tốt nhất về đời sống vật chất, tinh thần.

Tiêu chí “Nhân văn” của Thái Bình Dương nhìn từ văn hóa, có thể thấy được trong kinh doanh, Tập đoàn đã khéo kết hợp giữa lợi ích kinh tế với chăm lo bảo tồn, bồi đắp những di sản văn hóa - lịch sử của đất nước. Đây là điều mà không nhiều tập đoàn kinh tế cả tư nhân và Nhà nước làm được.

Gần đây, Tập đoàn Thái Bình Dương cùng với đối tác tư vấn hàng đầu của Nhật Bản hỗ trợ tỉnh Quảng Trị quy hoạch Thành cổ Quảng Trị thành “Thành phố vì hòa bình”. Đặc biệt, hiện nay, Tập đoàn đang xúc tiến đầu tư chuỗi dự án Văn hóa - Lịch sử kết hợp du lịch; tái hiện các trận đánh nổi danh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc tại một số địa phương theo mô hình bức tranh tròn (Panorama) trên đại lộ Kutuzoski, Moskva (Liên bang Nga).

Bảo tàng Panorama Đà Nẵng

Được dẫn giắt bởi một “thủ lĩnh” có tâm hồn và tầm nhìn đậm chất văn hóa, thời gian gần đây Tập đoàn Thái Bình Dương đã dành nhiều tâm lực sưu tầm, lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị của các danh họa Việt Nam. Trong số gần 1.000 tác phẩm hội họa và điêu khắc của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam do Tập đoàn Thái Bình Dương sưu tầm, có gần 500 tác phẩm được mua từ những nhà sưu tầm nước ngoài. Đó là tranh của các danh họa: Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Trọng Hợp, Mai Văn Hiến, Nguyễn Thụ, Dương Hướng Minh, Mai Long...

Nhờ đó, đến với Thái Bình Dương, chúng ta được đến với một không gian văn hóa đặc biệt, với một phòng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Những tác phẩm này cũng là cầu nối các nhà đầu tư quốc tế đến với Thái Bình Dương để tìm hiểu, trao đổi và tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trong một lần nói về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, đã đánh giá cao vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, mà Tập đoàn Thái Bình Dương được xem là một điển hình, một “thương hiệu”.

Là người lính trưởng thành từ trong lửa đạn chiến tranh, nên trong tâm tưởng của anh Phan Văn Quý, nhiều tướng lĩnh, chiến sĩ, nghệ sĩ đã từng chiến đấu, hy sinh cho độc lâp tự do của đất nước đều xứng đáng là những tượng đài. Vì vậy, Tập đoàn Thái Bình Dương đã tổ chức đúc tượng đồng Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Anh hùng Trịnh Tố Tâm, nhà thơ Phạm Tiến Duật... Cả nước tri ân các Anh hùng, tướng lĩnh, nghệ sĩ, nhưng tri ân theo cách của anh Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương, thì hỏi có mấy ai?

Văn hóa - Nhân văn của Thái Bình Dương theo quan niệm và hành động của anh Quý còn là sự sẻ chia cùng cộng đồng. Đây cũng là nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Văn hóa “sẻ chia” của Thái Bình Dương được minh chứng bởi anh Quý là sáng lập viên của Quỹ cộng đồng Phòng, chống thiên tai, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Quỹ Tâm - Tài Nghệ An. Tập đoàn còn là “Mạnh Thường Quân” của rất nhiều chương trình, hoạt động xã hội - thiện nguyện tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Mọi thành công của Thái Bình Dương tròn 20 năm qua là kết tinh từ ý chí, trí tuệ, tâm huyết của tập thể cán bộ, nhân viên của Tập đoàn. Nhưng với tôi, trong hào quang bề dày thành tích của Tập đoàn và những tấm Huân chương cao quý mà Tập đoàn có được, luôn lấp lánh một tâm hồn thấm đẫm nhân văn và thi ca Phan Văn Quý.

Nguyễn Duy Tường