Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Đầu tư kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững
Tàu chở xỉ than cho Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Báo tháng 7 - Nằm ở vị trí trung tâm hành lang kinh tế của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Thái Bình Dương) được đánh giá là một trong những công trình tạo điểm nhấn tại tỉnh Bình Thuận trong việc kêu gọi xúc tiến đầu tư, kết nối vùng miền, là cửa ngõ giao thương trong nước và quốc tế. Cảng được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 4 - 2019, với hạ tầng đồng bộ, đã góp phần rút ngắn khoảng cách trung chuyển hàng hóa hàng trăm km đường bộ, giảm chi phí logistics và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, có lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng rất phong phú như: Quặng titan, thiết bị nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, các loại hàng nông sản và vật liệu xây dựng phục vụ cho việc phát triển kinh tế...
Trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành Cảng, Chủ đầu tư luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Giải quyết một
khối lượng lớn xỉ than cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hiện đã có 4 nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hằng năm thải ra hàng triệu mét khối xỉ than, nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Mặt khác, bài toán vận chuyển tro xỉ cho các doanh nghiệp thu mua trở nên nan giải nếu chỉ vận chuyển bằng đường bộ với chi phí đắt đỏ và khó khăn về kiểm soát môi trường trong quá trình lưu thông.
Với vị trí nằm sát cụm Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đóng vai trò vô cùng quan trọng cho bài toán giải quyết, xử lý vấn đề xỉ than của cụm nhà máy nhiệt điện tại đây. Từ khi có Cảng, phần lớn khối lượng xỉ than được xuất qua Cảng, đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều doanh nghiệp về việc thu mua để sản xuất vật liệu xây dựng, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực. Hơn 2 năm qua, Cảng không những đã giải quyết một khối lượng lớn xỉ than cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại tỉnh Bình Thuận, mà còn giúp cho hàng trăm chuyến tàu với hàng triệu tấn hàng hóa thông qua Cảng, đã giảm chi phí logistic rất lớn cho các doanh nghiệp. Qua đó, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là Bình Thuận, đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và Quốc tế quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tiếp nhận, xử lý gần 1 triệu m3 chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (VT1) được Chính phủ giao cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 làm Chủ đầu tư theo hình thức BOT (Công ty BOT). Theo tiến độ, công việc nạo vét phải được xúc tiến sớm để kịp cho chuyến tàu than đầu tiên cập bến cảng chuyên dùng VT1 vào tháng 11-2017 và năm 2018 sẽ phát điện thương mại Tổ máy số 1. Mặc dù đã được cấp Giấy phép nhận chìm chất nạo vét cho Dự án VT1, nhưng Công ty BOT vẫn không thể triển khai nhận chìm theo tiến độ, do việc xuất hiện các ý kiến phản biện của một số nhà khoa học, cũng như dư luận xã hội trong việc nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh vật biển cũng như việc sinh sống, làm ăn của ngư dân địa phương sau này. Nếu không tiến hành giải quyết kịp thời chất nạo vét sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai Dự án VT1 và phát sinh các rủi ro pháp lý cho Nhà nước ta. Trường hợp chất nạo vét của Dự án VT1 không có chỗ chứa thì chi phí đầu tư xây dựng đê ngoài biển sẽ rất tốn kém và mất khoảng 2 năm mới có thể thực hiện được các công đoạn tiếp theo.
Mặc dù việc tham gia giải quyết tiếp nhận gần 1 triệu m3 khối chất nạo vét của Dự án VT1 không thuộc nhiệm vụ của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, nhưng để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước Việt Nam, Công ty đã chấp nhận từ bỏ việc tiếp nhận chất nạo vét từ dự án của đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Thái Bình Dương để ưu tiên cho Dự án VT1. Việc Công ty tiếp nhận gần 1 triệu m3 khối chất nạo vét của Dự án VT1 đã giúp tránh được các rủi ro pháp lý cho Nhà nước ta theo các chế tài quy định trong Hợp đồng BOT đã ký kết, giúp cho công tác nạo vét của Dự án VT1 được triển khai sớm hơn 3 tháng so với tiến độ cam kết. Từ đó, đảm bảo được tiến độ phát điện của dự án, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường biển tại khu vực bảo tồn biển Hòn Cau.
Áp dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường bền vững
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Bình Thuận, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân xác định đầu tư kinh doanh đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và chủ động áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường bền vững. Hiện nay, Tập đoàn Thái Bình Dương và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã và đang cùng với các đối tác có uy tín, kinh nghiệm tiếp tục triển khai đầu tư Nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông với công suất thiết kế xử lý tro xỉ nhiệt điện 1 triệu tấn/năm, cấu kiện bê tông 2,3 triệu tấn/năm, nhằm giải quyết dứt điểm gần 11 triệu tấn xỉ than đang tồn đọng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Đồng thời, Công ty cũng đang phối hợp với đối tác triển khai dự án Trung tâm Hậu cần Vĩnh Tân, với mục đích thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp trong khu vực, mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương và qua đó thu gom chất nạo vét, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực này.
Với những việc làm thiết thực và giải pháp căn cơ trong việc đầu tư kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được đã các Bộ, Ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận, cùng các đơn vị liên quan đánh giá cao. Vừa qua, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đang được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Đó chính là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực, thành công của Cảng trong quá trình xây dựng và phát triển.
PV thực hiện