Ông Ba Phán không “phán”!
Thương binh, CCB Đặng Văn Phán sửa xe đạp cũ xin về, tặng học sinh nghèo.
Nói về thương binh, CCB Ba Phán, những người biết ông ai cũng bảo: “Ông Phán nhưng không phán”.
Đúng là ông không quen “phán”, mà chỉ làm - làm những việc rất đặc biệt. Ông lại quá cái tuổi “xưa nay hiếm” - 85 năm tuổi đời, 55 tuổi Đảng, nên lại càng đặc biệt.
Tên khai sinh của ông là Lê Xuân Phán, quê ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Đi dân công hỏa tuyến chở gạo, chở đạn phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi gia nhập quân đội, hết đánh Pháp, lại đánh Mỹ. Bị thương tại đơn vị M. bảo vệ T.Ư Cục miền Nam… Đến năm 1990 nghỉ hưu, đưa vợ con từ quê vào định cư ở khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Lãnh đạo, chính quyền bà con nhân dân khu phố 2, thị trấn Tân Biên đã biết tiếng ông - anh “Bộ đội ba thời kỳ” được tăng cường về Bộ CHQS tỉnh, rất giỏi làm công tác “vận động hòa giải” những người ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ, sau giải phóng miền Nam, nên khi ông nghỉ hưu, ở lại định cư tại địa phương đã được Mặt trận Tổ quốc thị trấn Tân Biên mời tham gia hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân.
Ông Nguyễn Khắc Hoà - nguyên Bí thư chi bộ khu phố 2 kể với tôi: “Cuối những năm 1990 không chỉ khu phố 2 mà cả thị trấn Tân Biên này khá phức tạp từ tình trạng vượt biên trái phép, dẫn đến nhiều gia đình, anh em, vợ, con mâu thuẫn. Nhưng hầu hết các trường hợp gia đình có mâu thuẫn đồng chí Phán đều hòa giải thành công. Điển hình, như có một số gia đình có con em trong độ tuổi thanh niên không có việc làm, thường xuyên tụ tập, đánh nhau; vợ chồng trẻ bất đồng trong lối sống dẫn đến mâu thuẫn… Trước tình hình đó, đồng chí Phán trực tiếp đến từng nhà để vận động, thuyết phục. Với tiếng nói của một đảng viên cao tuổi, thương binh, giàu kinh nghiệm sống, đồng chí kiên trì, từng bước gỡ rối, giúp mọi người xóa bỏ hiềm khích, hòa giải thành công vụ việc. Thậm chí có vụ tranh chấp đất dai dẳng giữa hai anh em trong một gia đình, kéo dài hơn 17 năm không giải quyết được. Sau một thời gian tìm hiểu vụ việc, ông Ba Phán “vỗ vai” hai bên, thì thầm nói có vài lần mà sự việc được giải quyết thoả đáng. Bây giờ cả hai anh em đều coi đồng chí Phán như là ân nhân của gia đình…”.
Hỏi kinh nghiệm ông Phán cười hiền, bảo: “Có gì đâu, mình tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, rồi coi họ như người trong nhà góp ý, phân tích phải, trái, đúng, sai thôi. Nhớ là cứ làm, đừng nói nhiều…”.
Giờ đây, tóc chỉ còn vài sợi đen, nước da đồi mồi, đi lại khó khăn do thương tật, nhưng tinh thần của ông vẫn đầy năng lượng, trí tuệ minh mẫn. Mỗi ngày, ông thường xuyên đạp xe đi khắp các ngõ xóm, nắm tình hình, biết gia đình nào khó khăn, vất vả là giúp đỡ ngay. Ông sử dụng tất cả tiền lương hưu để làm công tác xã hội, hoạt động từ thiện ở địa phương. Từ năm 2015 đến 2020, ông Ba Phán đã giúp bà con nhân dân và đồng đội gần 200 cây giống các loại trị giá hơn 10 triệu đồng để ổn định cuộc sống; mua 3 thẻ bảo hiểm y tế trị giá hơn 2,2 triệu đồng hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp hộ nghèo, khó khăn được 10,5 triệu đồng; mua sách tặng học sinh nghèo đến trường 2,5 triệu đồng. Phòng, chống dịch Covid-19, ông tự nguyện đóng góp, đồng thời vận động nhân dân cùng ủng hộ 25 triệu đồng giúp đỡ các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Một trong những việc làm được ông Phán duy trì thực hiện trong nhiều năm qua, là ông đi khắp nơi xin xe đạp cũ, đem về sửa chữa, tặng cho học sinh nghèo, hiếu học. Ngày đầu chưa quen xin khó, nhưng bây giờ mọi người biết tấm lòng của ông, nên thậm chí nhiều người mang cả xe đạp đến tận nhà đóng góp cho ông được 15 chiếc xe đạp cũ. Ông sửa chữa lại cẩn thận, trao tận tay những mảnh đời bất hạnh.
Bà Đỗ Thị Mười ngụ tổ 9, khu phố 2 xức động nói với tôi: “Hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, một mình nuôi 3 người, trong đó có hai cháu còn đang tuổi ăn, tuổi học. Nhờ ông Phán giúp đỡ, tôi và một cháu được tặng thẻ Bảo hiểm y tế, một cháu được tặng xe đạp, gia đình tôi thật biết ơn ông Phán”.
Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tân Biên - Lê Huy Dụ nói với tôi về thương binh, CCB Ba Phán với tình cảm thật đặc biệt: “Ông Phán là “cây cao, bóng cả” trong gia đình và xã hội. Dù lớn tuổi, ông vẫn lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui. Ông Phán bảo: Ông còn sống ngày nào, ông còn cống hiến sức lực cho Đảng, cho quê hương ngày ấy”.
Thanh Hà