Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước: Trận chiến cuối cùng của xe tăng 814 trước giờ toàn thắng
(tiếp theo và hết)
…Sau chừng 20 phút chiến đấu, xe của tôi lúc này dính tới 3 quả đạn hỏa tiễn của địch. Quả thứ nhất chạy dọc nòng pháo, làm xước nòng pháo tới 20cm, quả thứ 2 làm bay mất móc cáp kéo xe. Tuy xe bị dính 2 quả đạn đầu nhưng xe vẫn chiến đấu được, quả thứ 3 trúng thùng dầu làm lửa cháy lan rất nhanh trong xe, tôi và 2 pháo thủ Bắc và Cắm nhảy ra kịp. Lái xe Nguyễn Xuân Khoát không kịp ra đã hy sinh. Ra khỏi xe, nhìn quanh thấy địa hình khu vực này trống trơn, ba chúng tôi không biết chạy, ẩn nấp ở đâu đành nằm rạp xuống rãnh nước rìa đường phía sau chiếc xe tăng đang cháy để tránh đạn. Nhìn thấy chúng tôi từ trong xe nhảy ra, bọn địch ở gần đó, cách chỗ chúng tôi chừng 30m, hò hét ra bắt, ba anh em chúng tôi lúc đó không có một thứ vũ khí gì trong tay rất lo lắng. Chúng hò hét vậy nhưng bọn này chắc cũng sợ nên không tên nào dám ra và cứ thế chúng dùng các loại hỏa lực bắn vào chỗ chúng tôi nấp. Cả 3 anh em lúc này đều trúng đạn, tôi bị một mảnh đạn vào gối, pháo thủ Bắc bị thương vào đầu, pháo thủ Cắm bị thương vào người. Lấy băng ra mấy anh em chúng tôi tự băng bó cho nhau.
Nằm ở rãnh nước tới 30 phút vẫn không thấy lực lượng nào của ta lên, lại nhìn thấy một chiếc xe tăng của ta ở phía sau không tiến mà cứ lùi, sau này tôi mới nghe anh em bộ binh nằm gần chiếc xe tăng cháy kể, do xe cháy, đạn trong xe nổ tác động vào bộ phận điều khiển làm chiếc xe tự lùi rồi quay ngang nòng pháo. Nằm ở đó tôi cũng lo nhưng vẫn giữ bình tĩnh để cho 2 đồng chí pháo thủ yên tâm. Tầm gần 10 giờ, thấy tiếng súng địch thưa thớt hơn tôi trao đổi với 2 anh em pháo thủ là một trong 2 người bò về phía sau bắt liên lạc với đơn vị chứ cả 3 đều nằm ở đây đơn vị không biết để hỗ trợ. Có thể do vết thương nên cả 2 pháo thủ không ai nhận đi. Tôi quyết định mình sẽ bò về. Dặn 2 đồng chí pháo thủ mọi việc xong, tôi bò, toài, người xuống đất nhích dần từng tý một vì chỉ cần nhô cao người một chút là dính đạn địch. Bò được chừng 30m, bỗng tôi nghe tiếng hô to :
- Hàng thì sống, chống thì chết!
Nghe tiếng hô lúc đầu tôi cũng hơi giật mình song tôi nghĩ đây là tiếng bộ đội ta chứ không phải địch vì tiếng hô giọng miền Bắc. Mừng quá. Tôi vội cởi mũ xe tăng ra vẫy vẫy, rồi hô to :
- Bộ đội xe tăng đây! Quân mình đây!
Nghe tiếng tôi hô, mấy anh em Trung đoàn 24 (tôi đoán đây là lực lượng trinh sát) liền gọi, bảo tôi chạy nhanh về phía họ để họ bắn yểm trợ. Nghe lời mấy anh em bộ binh Trung đoàn 24, tôi nhổm người, chạy nhanh tới chỗ anh em bộ binh, không dính viên đạn nào của địch. Chào mọi người, tôi lùi xuống phía dưới thấy xe tăng, xe thiết giáp rồi bộ binh của ta ùn đầy khu vực Lăng Cha Cả. Thấy tôi trở về, anh Chu Khánh Tồn - Tiểu đoàn trưởng vui mừng ôm chầm lấy tôi nói:
- Cậu về được thế này là tốt rồi!
Tôi báo cáo tình hình với Tiểu đoàn trưởng và nói hiện còn 2 thương binh đang nằm ở phía trên. Anh Tồn bảo tôi việc thương binh Tiểu đoàn sẽ lo, cậu chuẩn bị để cùng anh em tiến về dinh Độc Lập. Chưa kịp cùng mọi người tiến về dinh Độc Lập thì tôi được tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Thông tin Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện làm tôi sững sờ, lặng đi trong giây lát, một cảm xúc vui buồn thật khó tả. Chiến tranh dài dằng dặc thế là đã kết thúc. Chiều 30-4, chúng tôi trở lại khu vực những chiếc xe tăng cháy để làm công tác tử sĩ. Do nhiệt độ trong xe cháy vẫn còn rất cao nên 3 ngày sau, chúng tôi mới thực hiện được. Nhìn hài cốt các anh còn lại chẳng đáng là bao đựng trong thùng đạn đại liên, chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
Sau này có dịp đến Sài Gòn, tôi đều trở lại Lăng Cha Cả. Mỗi lần trở lại, cảm xúc nghẹn ngào lại trào dâng trong tôi. Dù cuộc chiến đã đi qua mấy chục năm, dù nơi này giờ đã đổi khác hoàn toàn nhưng tôi vẫn như thấy các gương mặt đồng đội của tôi hôm nào. Tôi mong ước nơi đây sẽ có một tấm bia hoặc một tượng đài để ghi nhớ những người lính xe tăng quả cảm, anh hùng đã ngã xuống ngay trước giờ toàn thắng của dân tộc tại Lăng Cha Cả - Sài Gòn trong buổi sáng ngày 30-4-1975.
Bùi Đức Thống kể Nguyễn Đình Thi ghi