Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29.3.1975 - 29.3.2021): Vượt đèo Hải Vân, giải phóng bán đảo Sơn Trà
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào T.P Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: TL
...Huế được giải phóng, quân địch ở đèo Phú Gia, Lăng Cô hết sức hoang mang. Nắm được tình hình đó, Ban Chỉ huy Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 họp mở rộng bàn chủ trương tiếp theo. Rất nhiều ý kiến nêu khó khăn hiện tại của Trung đoàn, nên cần dừng lại để củng cố. Nhưng sau khi trao đổi, thấy nếu dừng lại thì mất thời cơ, nên tôi (Nguyễn Đức Huy - Phó tư lệnh Sư đoàn, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 18) quyết định: Trung đoàn 18 tiếp tục phát triển phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các căn cứ Thừa Lưu, Nước Ngọt, đèo Phú Gia, Lăng Cô…
Để khắc phục khó khăn của Trung đoàn về lực lượng, Sở Chỉ huy cơ bản cho bổ sung Tiểu đoàn 9, cơ động gấp để hợp cùng đội hình Trung đoàn. Mỗi tổ chiến đấu trang bị thêm 1 khẩu phóng lựu M79 thu được của địch; súng cối 82, cối 60, lấy đạn của địch bổ sung; gạo thiếu thì vào dân vay, khi nào nhận được chi viện thì trả lại dân.
Mọi người đều nhất trí với quyết định trên, đang khẩn trương chuẩn bị để tiến đánh các mục tiêu đã định, thì Tham mưu trưởng Quân đoàn Bùi Công Ái tới. Tôi thay mặt chỉ huy Trung đoàn 18 báo cáo kết quả chiến đấu của trung đoàn và công tác chuẩn bị cho việc đánh chiếm Phú Gia, Lăng Cô…; đề nghị Quân đoàn bổ sung gạo, còn đạn thì đơn vị tự giải quyết.
Sau khi nắm được tình hình, đồng chí Bùi Công Ái nói: “Tôi xuống đây để truyền đạt lại mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn: Trung đoàn 18 tiếp tục phát triển đánh chiếm đèo Phú Gia, Lăng Cô, sẵn sàng đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng. Như vậy là quyết định của các đồng chí phù hợp với mệnh lệnh của Quân đoàn”.
Ngày 27-3-1975, Trung đoàn 18 đánh chiếm được đèo Phú Gia, phát triển đánh chiếm cụm quân địch ở Lăng Cô. Sau nhiều lần tổ chức hỏa lực và tiến công dũng mãnh, đến chiều ngày 27-3-1975, quân ta đã đánh chiếm được Lăng Cô, trận địa pháo của địch phía nam cầu Lăng Cô, thu 4 khẩu pháo 105ly. Hầu hết quân địch ở khu vực ga Lăng Cô và chân phía bắc đèo Hải Vân đều bị diệt và bị bắt. Số còn lại chạy lên đường hầm xe lửa, hợp với lực lượng có sẵn ở đó để cố thủ. Suốt cả ngày 28-3, ta tổ chức nhiều lần tiến công, nhưng không chiếm được đường hầm và sườn phía bắc đèo Hải Vân; đành phải tạm dừng lại.
5 giờ ngày 29-3-1975, một đại đội xe tăng lội nước do đồng chí Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn chỉ huy tiến tới ga Lăng Cô. Tôi chạy theo báo cáo với đồng chí Phó Tư lệnh Quân đoàn tình hình chiến đấu của Trung đoàn 18 trong hai ngày 27 và 28-3. Nghe xong, đồng chí biểu dương chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 và nói: “Tớ mang cho các cậu một đại đội xe tăng”. Rồi ông giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 18 nhanh chóng đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng.
Tôi báo cáo và đề xuất với Phó Tư lệnh: Hiện nay, quân địch đang chiếm giữ hầm đường sắt và sườn phía bắc đèo Hải Vân; nhưng phần lớn tàn quân địch chạy từ đèo Phước Tượng, Phú Gia và Lăng Cô… về co cụm ở đây, nên chúng rất hoang mang. Nay ta đã có xe tăng, có hỏa lực mạnh để có thể triển khai xe tăng, phát huy pháo và 12,7ly của xe tăng, kết hợp với hỏa lực của Trung đoàn 18, tổ chức đợt hỏa lực ngăn chặn chế áp địch; sau đó cho bộ binh ngồi trên xe tăng, tiến công địch trong hành tiến. Khi thấy ta có xe tăng, có hỏa lực mạnh, chắc chắn quân địch sẽ hoang mang, bỏ chạy. Lúc đó, ta thừa thắng, thọc nhanh lên đánh chiếm đèo Hải Vân.
Phương án này được Phó Tư lệnh Hoàng Đan phê chuẩn. Nhưng khi triển khai thì gặp khó khăn là một đại đội xe tăng chỉ chở được một đại đội bộ binh; lực lượng chạy bộ còn lại sẽ không theo kịp xe tăng. Rất may, trong bãi pháo của địch có một số xe GMC chúng bỏ lại còn tốt, ta có thể cho bộ binh và số cán bộ chỉ huy của Trung đoàn 18 ngồi trên xe GMC tiến theo sau đội hình xe tăng. Nhưng bí một nỗi là bộ đội mình không ai biết lái xe. Trong cái khó ló cái khôn! Chúng tôi đã tìm và động viên một số người dân biết lái xe hăng hái giúp lái xe cơ động bộ đội tham gia giải phóng Đà Nẵng (một số còn cùng giúp cơ động bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh).
Đúng như dự kiến, chỉ sau 15 phút tổ chức hỏa lực bắn chuẩn bị, ta đã tiêu diện một bộ phận quân địch ở trong hầm đường sắt và sườn đèo Hải Vân; số còn lại chạy dạt vào rừng trên đèo Hải Vân. Xe tăng và bộ binh ta thừa thắng xông lên. Nhưng đến gần đỉnh đèo, đội hình của ta đã bị cụm quân địch co cụm ở đây, dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Ngay lập tức, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 6 lệnh cho bộ đội xuống xe tăng, chia làm hai cánh tiến công. Được pháo và súng 12,7 ly trên xe tăng yểm trợ, bộ đội ta dũng mãnh xung phong, tiêu diệt một bộ phận địch. Số còn lại bỏ chạy tán loạn. Quân ta nhanh chóng tiến chiếm đỉnh đèo.
Đến khoảng 10 giờ ngày 29-3, sau khi làm chủ toàn bộ khu vực đèo Hải Vân, Trung đoàn 18 tiếp tục thọc sâu, hơn 11 giờ vào tới T.P Đà Nẵng. Ở đây đã có một số đơn vị bạn đang chiến đấu, súng nổ vang khắp nơi. Nhân dân chạy ra đứng dọc các phố đón Quân giải phóng.
Theo lệnh của đồng chí Hoàng Đan, đội hình Trung đoàn 18 không tiến vào trung tâm T.P Đà Nẵng mà vượt qua cầu Trịnh Minh Thế để đánh chiếm quân cảng của địch, giải phóng bán đảo Sơn Trà. Đội hình chiến đấu của Trung đoàn 18 ra tới cầu Trịnh Minh Thế và ngã ba sân bay Nước Mặn thì gặp một đơn vị của Sư đoàn 2, Quân khu 5 phối hợp cùng chiến đấu.
Khoảng 13 giờ 30 phút này 29-3-1975, Trung đoàn 18 đã chiếm được quân cảng Đà Nẵng - quân cảng lớn nhất của địch ở miền Nam. Ta thu hàng trăm tàu chiến, hàng trăm xe tăng, hàng nghìn khẩu pháo, súng cối và một khối lượng khổng lồ vật chất hậu cần, kỹ thuật… Đến 17 giờ ngày 29-3, quân ta chiếm cụm thông tin viễn thông của địch trên núi Sơn Trà. Bán đào Sơn Trà hoàn toàn được giải phóng.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Phó tư lệnh Sư đoàn 325 trong chiến dịch Đà Nẵng 1975