Tỉnh Nam Định: Hy sinh 67 năm chưa được báo tử, cấp Bằng TQGC?!
Một số văn bản trong hồ sơ đề nghị giải quyết báo tử cho liệt sĩ Trần Văn Cát.
Ông Trần Văn Cát sinh năm 1935, nguyên là chiến sĩ đơn vị c3, e55 - Điện Biên Phủ. Tên tuổi của ông được ghi danh trên Bảng vàng tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, người thân, dòng họ của ông Cát cho biết 67 năm qua vẫn chưa nhận được báo tử cũng như được giải quyết các chế độ liệt sĩ…
Sự lãng quên... hiếm thấy
Trong đơn gửi Báo CCB Việt Nam, ông Trần Văn Phô sinh năm 1957, trú quán tại thôn Kỳ Hưng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phản ánh: Ông là cháu gọi ông Trần Văn Cát (trú quán tại thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh) bằng chú ruột. 67 năm qua, gia đình vẫn chưa nhận được Giấy báo tử của ông Trần Văn Cát.
Trước đó, vợ ông Cát là bà Nguyễn Thị Lân (tên gọi khác là Nguyễn Thị Kim Dung) đã đề nghị các cơ quan giải quyết báo tử cho ông Trần Văn Cát vì sau ngày ông Cát nhập ngũ vào năm 1952, đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vẫn không thấy ông trở về. Bà Lân ở vậy nuôi mẹ ông Cát là bà Trần Thị Lục. Đến năm 1963, bà Lân tái giá thì việc đề nghị giải quyết chế độ cho ông Trần Văn Cát cũng bẵng đi, không ai quan tâm để ý vì không biết ông Cát đi bộ đội tham gia ở đơn vị nào…
Đầu năm 2019, các con của ông Khương Văn Bảng (ông Bảng gọi ông Cát bằng cậu ruột) có lên Điện Biên du lịch và thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, tình cờ đọc thấy tên ông Trần Văn Cát ghi trên bia các liệt sĩ chiến đấu, hy sinh tại Điện Biên Phủ.
Cũng kể từ đây, sự việc đề nghị báo tử, cấp Bằng Tổ quốc ghi công (TQGC) cho ông Trần Văn Cát được các cháu của ông thực hiện. Ông Trần Xuân Phô được nhận ủy quyền làm đơn gửi đi các cơ quan chức năng đề nghị xác minh, xem xét giải quyết việc báo tử cho ông Cát. Tuy nhiên, đến nay dù đã làm hồ sơ theo hướng dẫn nhưng việc báo tử cũng như cấp Bằng TQGC cho ông Cát vẫn chưa được thực hiện.
Theo ông Trần Xuân Phô thì hồ sơ đề nghị xem xét việc báo tử cho ông Cát đã được gửi tới Bộ CHQS tỉnh Nam Định. Cán bộ chính sách của đơn vị này cho hay là đã hoàn tất hồ sơ đề nghị báo tử và cấp Bằng TQGC cho ông Trần Văn Cát gửi lên Quân khu 3, Bộ Quốc Phòng từ tháng 10-2020. Thế nhưng, đến nay gia đình ông Phô vẫn chưa nhận được hồi âm, kết quả gì…
Theo ông Phô thì thông tin về liệt sĩ Trần Văn Cát ghi danh tại Bảng vàng ở Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 có sự nhầm lẫn về quê quán. "Có thể đây là nguyên nhân đến nay cơ quan chức năng chưa có Giấy báo tử về gia đình?".
Thân nhân liệt sĩ mong đợi từng ngày!
Tập tài liệu ông Phô gửi kèm đơn về Tòa soạn Báo CCB Việt Nam, cho thấy, ngày 2-8-2019, sau khi ông Phô có đơn gửi đến Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên đề nghị xác nhận tên liệt sĩ Trần Văn Cát; quê quán: Thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; nhập ngũ: Năm 1952; hy sinh: Năm 1954.
Thông tin này ngay sau đó được Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên kiểm tra, rà soát danh sách các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ thời kỳ 1953-1954 do Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng bàn giao năm 1994. Qua kiểm tra, “tại số thứ tự 26, quyển số 03, danh sách các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ của tỉnh Nam Hà, đã ghi: Họ và tên liệt sĩ: Trần Văn Cát. Sinh năm 1935. Quê quán: xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Hà. Nhập ngũ: tháng 2-1954. Cấp bậc, chức vụ: Chiến sĩ. Đơn vị: c3, e55. Hy sinh: 1954. Nơi hy sinh: Điện Biên Phủ. Trường hợp hy sinh: Chiến đấu mất tích. Thân nhân: Nguyễn Thị Lâu (vợ) ở nguyên quán.
Hiện nay, họ và tên liệt sĩ đã được ghi danh trên Bảng vàng tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên xác nhận để ông và gia đình được biết”.
Như vậy, nếu theo Văn bản của Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên trả lời ông Trần Xuân Phô thì không có ông Trần Văn Cát nào ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định như đơn ông Phô đề nghị.
Tuy nhiên, ông Phô cho biết, địa danh ghi trong hồ sơ của Cục Chính sách Bộ Quốc Phòng về trường hợp liệt sĩ Trần Văn Cát thuộc c3, e55 thực chất là chú ruột ông!
Lý giải về vấn đề này ông Phô cho rằng thôn Hạ Kỳ với thôn Đồng Nguyên trước đây thuộc xã Nghĩa Đồng. Sau này thôn Hạ Kỳ cắt về xã Nghĩa Thịnh, còn thôn Đồng Nguyên cắt về Nghĩa Đồng. “Việc thay đổi địa danh giữa các thôn, xã là do sáp nhập, chia tách trước đây dẫn đến việc ghi tên liệt sĩ trong hồ sơ của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng là vậy”.
Vẫn theo ông Phô thì bà Trần Thị Lục là mẹ ông Cát. Bà Nguyễn Thị Lân là vợ ông Cát, nhưng trong hồ sơ ghi thành Nguyễn Thị Lâu. “Thực ra, tên Lân ghi thành Lâu là do cán bộ chính sách ghi nhầm chữ “u” với chữ “n”, vì nếu nhìn chữ viết tay rất dễ bị nhầm lẫn hai chữ này” - ông Phô cho biết.
Thiết nghĩ, việc ghi nhầm lẫn địa danh nơi liệt sĩ đã từng sinh sống, chiến đấu và việc thiết lập hồ sơ liệt sĩ hy sinh ghi nhầm tên thân nhân cũng đã từng xảy ra với nhiều trường hợp và là điều khó tránh khỏi bởi chiến tranh gian khổ, lâu dài, khốc liệt; cán bộ làm chính sách thời đó ghi chép, quản lý ban đầu còn sơ xuất do không nắm rõ về những thay đổi đơn vị hành chính, nơi cư trú... Trường hợp của ông Trần Xuân Phô đề nghị như nêu trên là vậy, nên rất mong Bộ Quốc phòng sớm có chỉ đạo làm rõ, hồi âm cho gia đình ông Trần Xuân Phô!
Tư Hoành