42 năm - chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (2.1979 - 2.2021): Chiến đấu phòng ngự ở Hà Giang
(Tiếp theo và hết)
…Xây dựng trận địa phòng ngự kiên cố, ngoài cố gắng lớn của bộ binh, phải kể đến đóng góp của công binh. Bộ đội trần mình, căng sức khiêng vác hàng chục tấn vì kèo bê tông vượt địa hình núi đá dốc đứng, dưới làn hỏa lực của địch, đưa lên điểm cao để làm công sự, hầm pháo và cối…
Dựa vào hệ thống giao thông hào, công sự trận địa phòng ngự khá kiên cố, bộ đội ta đã trụ bám dài ngày trên chốt, tổ chức chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương; giữ vững được các điểm cao: 1100, Không Tên, Bốn Hầm, 685, Tổ Chim… Đặc biệt, với điểm cao Tổ Chim, chốt của bộ đội ta chỉ cách chốt của đối phương chưa tới 10m. Hay như, ta chốt giữ điểm cao 1100 thì đối phương giữ 1200… Bộ đội làm nhiệm vụ ở chốt điểm tựa từ 5 đến 6 tháng; điển hình là các chốt ở Đá Pháp, Đồi Đài, điểm cao 400…, vô cùng căng thẳng và gian khổ. Từ ăn uống, tắm giặt, ngủ ngáy…, đến chiến đấu, luôn căng như dây đàn. Ăn uống kham khổ còn chịu đựng được, nhưng lâu mà không được tắm thì đúng là cực hình. Bộ đội sinh ra ghẻ lở và nhiều bệnh khác cũng là vị lâu ngày không tắm. Nhưng nếu không chịu được bẩn thỉu, ngứa ngáy, anh em mình lần mò tìm nước tắm, rất dễ bị thương vong vì pháo, vì địch bắn tỉa. Hai kỳ chỉ huy bộ đội lên thay chốt (1986-1987), khi chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, tôi suy nghĩ và chỉ đạo quân y Sư đoàn mua thêm khăn mặt loại lớn và khăn tắm rồi tẩm nước, chuyển lên cho bộ đội lau người, giải quyết được một phần bí bách của bộ đội do thiếu tắm.
Trong tác chiến, một trong những cái khó của ta là đối phó với hỏa lực pháo của địch bắn thỏa sức, không giới hạn. Đạn pháo của địch cày xới, băm nát những triền núi đá. Màu xanh cây cối nhường cho những triền núi đá lở lói, trơ trụi. Trước đó, ta có sử dụng pháo để “đáp trả” pháo địch, nhưng pháo ta ít, bố trí trận địa xa, lại không có đài quan sát chỉ huy, nên hiệu quả thấp. Sau khi nghiên cứu tình hình, tôi cho đưa hai khẩu pháo cối 160ly, hai khẩu 120ly lên bố trí gần chốt của địch, lợi dụng góc chết sườn núi, hạn chế hướng bắn của pháo địch; chuẩn bị đủ mấy cơ số đạn. Tất cả đã sẵn sàng, chờ khi địch bắn pháo, tôi cho phản pháo ngay lập tức. Đài quan sát chỉ đúng mục tiêu, pháo cối tầm xa của Sư đoàn bắn thẳng trực tiếp vào chốt của địch; nhà cửa, nồi niêu… và cả xác địch tung lên. Quá hoảng loạn, sau một vài lần chúng tôi đấu pháo, địch la toáng lên: Thôi, đừng bắn nữa…!
Trong quá trình chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự, trực tiếp tiếp xúc với địch, dần dà tôi phát hiện ra lính bên kia có sự phân biệt giữa cán bộ và chiến sĩ của ta. Thường khi phát hiện cán bộ chỉ huy của ta là chúng bắn ngay. Điều này tôi phát hiện qua quan sát thực tế và qua khai báo của những tên ta bắt được.
Khi giao nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự cho Sư đoàn tôi và đơn vị bạn, Tư lệnh Quân khu Vũ Lập đều nhắc cố bắt tù binh để khai thác thông tin phía bên kia. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đơn vị bạn không bắt được tù binh. Về phần mình, tôi cho một tốp mật phục dưới chân điểm cao 1509 mà địch chiếm giữ trái phép; nhân cơ hội một toán lính địch đi lẻ, anh em mình chụp bắt, chúng chạy toán loạn; ta bắt được một viên trung úy. Anh em dẫn tên này về Sở Chỉ huy Sư đoàn; qua thẩm vấn hắn, chúng tôi biết thêm về tình hình bên kia. Sau đó, tôi cho đưa tên này về giao cho Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu ở Hà Giang, rồi trao trả cho đối phương.
Biết được sự phân biệt của lính địch về cán - binh ta, những lúc xuất hiện ở khu vực ta chốt giữ, tôi cố cải trang, tạo dáng để chúng cho tôi là lính. Thường thì áo sĩ quan chiết gấu, tôi cởi vài cúc áo phía dưới và buộc túm hai tà áo lại; xắn quần móng lợn, ống thấp ống cao; tóc râu để bờm xờm, đội mũ tai bèo sùm sụp, nhìn không rõ mặt… Cứ như vậy, tôi dễ dàng đi lại giữa các chốt của đơn vị. Anh Nguyễn Đức Cam và nhiều anh em trong cơ quan Sư đoàn can ngăn tôi đừng liều như vậy. Lúc đó, thực lòng tôi không để tâm đến sự can ngăn của anh em, nhưng sau này nghĩ lại thấy mình cũng liều thật!
Cũng do sâu sát nắm tình hình, thấy được phía địch cũng có những biểu hiện không “mặn mà” lắm chuyện đánh nhau. Biết được điều đó, Chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo Phòng Chính trị, đặc biệt là đồng chí Trưởng ban Hành chính khá sõi tiếng Trung Quốc, soạn một số nội dung ngắn gọn, súc tích, nói về cuộc chiến phi nghĩa do phía bên kia khởi xướng; rằng Việt Nam mong muốn được sống trong hòa bình hữu nghị… Những bài đó, tôi cho phát trên hệ thống loa có công suất lớn, phát đi phát lại nhiều lần. “Mưa dầm thấm lâu”, chương trình “binh địch vận” của “Đài truyền thanh Sư đoàn” ít nhiều đạt được hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cho hậu cần về xuôi mua bia chai Hà Nội (khi đó bia lon còn hiếm), bánh kẹo Hải Châu, thuốc lá Thăng Long, A (Lào)… Những thứ đó, anh em mình gói thành từng gói nhỏ, buộc vào đầu sào tre dài đưa cho đối phương. Có nhiều chốt hai bên cách nhau chưa đến 10m, nên cách chuyển “quà” này khá tiện. Qua phản ánh của anh em ta, điều khá thú vị là các thứ kẹo bánh, bia, thuốc lá… ta cho, đối phương đều nhận, riêng thuốc lá Thăng Long thì chúng ném trả lại. Thế mới biết, lính tráng bên kia cũng tinh vi tinh tướng, “Ăn mày còn chọn xôi gấc!”.
Làm tốt nhiệm vụ binh địch vận, Sư đoàn 356 đã hạn chế được các cuộc đọ súng với đối phương trong thế trận phòng ngự trực tiếp tiếp xúc hằng ngày. Với thành tích đó, Sư đoàn chúng tôi đã được Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen. Sau đó, Cục Dân vận và Tuyên truyền đặc biệt đã cử nhiều đoàn cán bộ lên Sư đoàn nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm để phổ biến cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trên tuyến biên giới phía Bắc.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được kể, Duy Tường ghi