Sáng 27/9, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp lần thứ 35 (từ 27-5/10) để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khai mạc ngày 20/10 tới. Mở đầu phiên họp, UBTVQH đã nghe và thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trước khi gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này.

Số vụ khiếu nại, tố cáo tăng
Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay, trong năm 2010 cả nước phát sinh 112.063 vụ việc khiếu nại, tố cáo, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009.
Nội dung khiếu nại phần lớn xảy ra trong lĩnh vực đất đai (chiếm 69,9%), khiếu nại các hoạt động tư pháp (14,54%), khiếu nại về nhà ở, đòi nhà cho thuê mượn, nhà thuộc diện cải tạo chiếm (4,66%) và các loại khiếu nại khác chiếm (5,97%).
Các nội dung tố cáo chủ yếu tập trung trong lĩnh vực hành chính (chiếm 94,08%), lĩnh vực tư pháp (chiếm 5%).

“Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 có xu hướng tăng về số vụ việc, số lượt công dân và số đoàn khiếu nại. Một số trường hợp công dân đi khiếu kiện có thái độ bức xúc, gay gắt”, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết.

Còn bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đáng giá về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Trần Văn Truyền cho rằng, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay tại địa phương.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra kết luận giải quyết 50/73 vụ việc Thủ tướng giao và phối hợp với địa phương tiến hành thẩm tra, xác minh, xem xét 200 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài tại các địa phương.
Các bộ ngành, địa phương đã giải quyết 69.698/81.838 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,2%, tăng 1,27% so với cùng kỳ. Trong đó, 61.002/71.845 vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 84,9%; 8.696/9.993 vụ việc tố cáo, đạt 87,02%.
Báo cáo của Chính phủ cũng thằng thắn chỉ rõ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục như việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều sai sót, tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.
Từ hiện trạng trên, Báo cáo cũng nêu lên những giải pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo như phải nắm chắc tình hình, có kế hoạch cụ thể của từng địa phương, từng vụ việc khi giải quyết phải có phối hợp đồng bộ; phải tổ chức đối thoại với công dân; tìm ra giải pháp xử lý phù hợp cho từng trường hợp.
Mặt khác, phải có sự “đeo bám” trong chỉ đạo, xử lý dứt điểm từng vụ việc; nêu cao trách nhiệm và kỷ luật của các cấp chính quyền; cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo về chủ trương, giải pháp, xử lý vụ việc phức tạp.

Xây dựng cơ chế, giải pháp mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đánh giá Báo cáo của Chính phủ đã khái quát khá toàn diện về tình hình khiếu nại, tố cáo, về nguyên nhân phát sinh và kết quả giải quyết cũng như nêu rõ tồn tại, hạn chế.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá đầy đủ hơn, nhất là về thực trạng đơn thư phát sinh trong năm 2010 cũng như nhiều đơn thư kéo dài từ những năm trước.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, ngoài những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nay chưa được khắc phục, còn có nguyên nhân về đạo đức, phẩm chất cũng như năng lực quản lý trên một số lĩnh vực của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Đây là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và cũng là nguyên nhân làm cho tình hình thêm phức tạp. Nếu không có biện pháp mạnh để khắc phục thì khó có thể có những chuyển biến cơ bản về tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khuyến nghị.
Thảo luận về nội dung trên, đa số các đại biểu cho rằng cần đưa ra được những cơ chế, giải pháp mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi một số cơ chế, chính sách bất cập hiện nay đang là nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn góp ý, cần sớm sửa đổi một cách toàn diện về chính sách đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tòa đất đai, tái định cư. “Trước hết, cần sửa ngay Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đầy đủ, hoàn thiện, công bằng sẽ hạn chế được tình trạng khiếu kiện về đất đai chiếm đến gần 70% như hiện nay”, ông Đàn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nêu rõ, việc khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, việc giải quyết công bằng, đúng pháp luật là trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị đặc biệt người đứng đầu.
“Chính phủ nên thành lập một cơ quan độc lập, tập hợp được những cán bộ có năng lực, trình độ và phẩm chất của các cơ quan để tập trung quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo như hiện nay thì mới có thể tạo sự chuyển biến cụ thể”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề xuất.

Theo VGP

Bảo Lâm