UAV - Những hiểm họa và yêu cầu quản lý

Hiểm họa khôn lường từ UAV

Ra đời từ đầu thế kỷ XX, phương tiện bay không người lái hay máy bay không người lái (UAV - Unmanned aerial vehicle). Theo giải thích từ ngữ tại Nghị định 36/NĐ-CP ngày 28-3-2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó”.

Trước đây, UAV được phát triển như là một ứng dụng đặc biệt dành riêng cho các hoạt động của quân đội. Nhưng ngày nay, theo sự phát triển công nghệ, đặc biệt với sự xuất hiện của các phương tiện bay không người lái kiểu mới, còn gọi là “drone” hay flycam (loại “drone” có lắp camera để quan sát), được chế tạo với những tính năng rất đa dạng, có kích thước và công suất động cơ cỡ nhỏ đến trung bình; bay ở độ cao thấp, thì UAV không chỉ sử dụng trong lĩnh vực quân sự mà còn được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực dân sự: giám sát đo đạc địa hình, cảnh báo thiên tai, vận chuyển hàng hóa, giám sát các hoạt động phục vụ công tác an ninh phi quân sự... hay giải quyết nhu cầu cá nhân như chụp ảnh, du lịch ngày càng nhiều. Vì vậy nguy cơ sử dụng sai mục đích dẫn đến hiểm họa hết sức khó lường, tạo ra những vấn đề mới cho an toàn xã hội và an ninh quốc gia không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Có thể dẫn ra đây một số vụ việc điển hình: Tiến công khủng bố tại Syria, ngày 6-1-2018, lực lượng đối lập đã sử dụng 13 UAV tự chế mang theo thuốc nổ tấn công căn cứ Không quân Hmeymim của Nga tại tỉnh Latakia; tại Venezuela, ngày 5-8-2018 UAV của lực lượng đối lập đã mang thuốc nổ ám sát hụt tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Lễ duyệt binh; tại Yemen ngày 10-1-2019, phiến quân Houthi sử dụng UAV tấn công buổi diễu hành của quân đội Yemen làm Thiếu tướng Mohamad thiệt mạng; tại Canada, cuối tháng 10-2017, xảy ra vụ va chạm giữa một UAV với máy bay chở khách của Hãng hàng không Skyjet khi máy bay chuẩn bị hạ cánh ở thành phố Quebec. Xâm nhập, trinh sát bất hợp pháp các khu vực nhạy cảm tại Pháp, từ năm 2015 đến nay các UAV xuất hiện ngày càng nhiều ở không phận 13/19 nhà máy điện hạt nhân...

Ở nước ta, gần đây UAV đã được các lực lượng phản động, cơ hội, chống đối chính trị trong nước sử dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng đã sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh những điểm “nóng” về khiếu kiện đông người, ô nhiễm môi trường, trạm thu phí giao thông (BOT), giải tỏa đất đai... như ở Bình Thuận ngày 10 đến 11-6-2018, sau đó thông tin này được xuyên tạc phát tán trên các mạng xã hội cho các đối tượng cơ hội sử dụng làm công cụ để chống phá Việt Nam. Tại một số khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh ở gần hoặc do các đơn vị Hải quân quản lý, thời gian vừa qua cũng đã ghi nhận và phát hiện một số các đối tượng trong và ngoài nước sử dụng trái phép, như: Ngày 1-5-2018, tại T.P Đà Nẵng, lực lượng chức năng phường Thọ Quang, quận Sơn Trà phát hiện 2 người Trung Quốc sử dụng flycam để quay phim trái phép tại khu vực chùa Linh Ứng; Trong các ngày 14-12-2018 và 6-2-2019, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đóng quân tại khu vực T.P Vũng Tàu phát hiện 2 flycam bay trái phép trong khu vực núi Hồ Mây và Lữ đoàn 171...  Nhiều hoạt động của UAV không xác định được các phi công Hàng không dân dụng (HKDD) phát hiện khi tàu bay đang thực hiện cất, hạ cánh tại khu vực lân cận sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Cam Ranh, Cần Thơ... đã cho thấy hiện hữu nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của tàu bay HKDD.

Ngăn chặn từ ý thức đến hành động

Trước những nguy cơ trên, để tăng cường quản lý, đối phó ngăn chặn những hiểm họa đến từ UAV, Hội thảo “Quản lý, phát hiện và đối phó với các phương tiện bay không người lái trên biển của lực lượng Phòng không - Không quân (PKKQ) trong tình hình mới” do Quân chủng PKKQ tổ chức vào ngày 29-5-2019 đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về pháp luật như Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28-3-2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiên bay siêu nhẹ; Nghị định125/2015/NĐ-CP ngày 4-12-2015 của Chính phủ về “Quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay”... để các tổ chức, cá nhân nắm, hiểu được quy định sử dụng UAV, những tác động có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng các UAV, không để các đối tượng để sử dụng UAV vào mục đích xấu. Các lực lượng PKKQ và LLVT khác phải luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các UAV có dấu hiệu vi phạm xâm nhập trái phép. Ngăn chặn mọi thủ đoạn sử dụng UAV vào các mục đích xấu nhằm phá hoại trật tự xã hội, an ninh quốc gia; phối hợp, làm tốt công tác quản lý giám sát, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm.

Quản lý, ngăn chặn những hiểm họa đến từ UAV là một vấn đề mới, khó khăn và phức tạp nên rất cần có sự quan tâm hơn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, của các lực lượng chuyên trách nói chung và sự chung tay, góp sức của toàn quân, toàn dân, để tính tiện dụng, hữu dụng của UAV thực sự mang lại những lợi ích cho “quốc kế, dân sinh”.

Lê Dân