Tỷ phú vươn lên trên đôi chân bị liệt (29/08/2011)

Qua cây cầu Khuể, đi sâu vào mảnh đất Tiên Lãng (Hải Phòng), chúng tôi tìm đến gặp CCB Đinh Văn Bệ (xã Quyết Tiến). Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh, đó là một người đàn ông chất phác. Anh từ vườn bước thấp bước cao ra đón chúng tôi, với chiếc áo còn lấm lem bùn đất và nụ cười rạng rỡ đôn hậu luôn thường trực trên môi. Khó hình dung rằng anh đã từng bị thương liệt 2 chân, mất 81% sức khỏe, phải kiên trì luyện tập suốt 10 năm ròng để có thể bước ra khỏi giường và thoát khỏi cây nạng, đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Vượt lên sự khắc nghiệt của cuộc đời

Anh sinh năm 1951 tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Đầu năm 1969, anh xung phong vào bộ đội và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam ác liệt. Năm 1972, trong một trận địch càn quét, bắn pháo dồn dập, mảnh đạn găm vào cột sống, anh bị thương rất nặng. Nhấp một ngụm trà, anh bồi hồi kể lại : “Hồi đó, sau khi bị thương, tôi được đưa về trạm xá, bác sĩ quyết định mổ ngay tại lán, lúc đó thiếu thốn đủ thứ, thậm chí còn không có thuốc gây mê nên đành phải mổ sống. Bác sĩ trói chặt chân tay tôi để mổ lấy đạn ra. Những tuởng không thể chịu đựng được, tôi như chết đi sống lại”… Tỉnh dậy sau cơn mê man, biết mình còn sống, nhưng không thể tin rằng mình đã bị liệt hai chân, còn cơ thể cũng mang đầy thương tích. Nghĩ tới việc sẽ tàn phế, trở thành gánh nặng cho xã hội, cổ họng anh ứ lại nghẹn đắng, nước mắt lăn dài trên má..

Năm 1976, anh từ trại điều dưỡng Hà Bắc trở về địa phương, tưởng cuộc đời mãi gắn với chiếc xe lăn. Số phận run rủi cùng với sự sẻ chia thông cảm và tình yêu thương chân thành của người con gái (giờ là vợ), chị Vũ Thị Thử đã làm thay đổi lối suy nghĩ đó. Quyết tâm vượt lên số phận, đi lại bằng chính đôi chân của mình, anh bước đi từng bước đầu tiên, dần men theo từng bước, từng bước chậm chạp. Sau mỗi lần tập đi, những cơn đau dữ dội lại hành hạ khiến anh ứa nước mắt nhưng anh vẫn không từ bỏ. Rồi anh chống nạng gỗ tập đi từng bước. Anh kể lại: “Lúc đó, tôi không dám đi ra đường làng mà phải đi tắt qua cánh đồng vì ngại ánh mắt thương hại của mọi người”, nhưng ý chí và nghị lực của một con người từng vào sinh ra tử đã giúp anh chiến thắng bản thân, vượt lên chính số phận mình một lần nữa. Dần dần anh đã tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Quyết tâm làm nên cuộc sống hôm nay

Là một thanh niên chưa học hết lớp 7 trường làng trở về từ chiến trường với thương tích đầy mình, nhưng với nghị lực phi thường cộng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhớ lại lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều đêm anh trằn trọc trăn trở với những suy nghĩ phải làm gì để thay đổi cuộc sống của mình, để nuôi các con ăn học trưởng thành có ích cho xã hội. Và rồi quyết định này để làm nên lẽ sống của anh ngày hôm nay.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh quyết định học hỏi kinh nghiệm nuôi cá giống. Đầu năm 1991, anh chị vay mượn vốn cải tạo một khu nuôi cá giống. Lúc đầu kinh nghiệm chưa có nên anh gặp nhiều khó khăn. Nhờ chịu khó học học hỏi, đọc sách báo tài liệu, dần dần anh đã tích lũy được kinh nghiệm nuôi cá giống. Thấy nuôi cá giống có hiệu quả, anh liên tục mở rộng sản xuất. Năm 2005, anh vay vốn đầu tư vào trại cá của huyện rộng 4,5 ha. Năm đầu tiên, sự hợp tác đã cho kết quả khả quan, toàn bộ kinh phí đầu tư đã lấy lại được vốn và tạo được nguồn lãi ổn định là đàn cá bố, mẹ hàng trăm con được nuôi cẩn thận trong ao. Những năm tiếp theo, năm nào cũng cho thu nhập hàng hai ba chục triệu đồng. Đặc biệt nhờ nguồn hàng và kiến thức làm nghề của anh đã giúp trại cá của anh có đầu ra trên thị trường, trao đổi nguồn hàng ổn định, ít bị tác động của quy luật cung cầu. Cơ sở của anh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định. Khi hỏi anh về bí quyết để trở thành một chủ trại cá có uy tín như ngày hôm nay, anh chỉ cười xòa và nói: “Ngoài việc kinh nghiệm thực tế là rất quan trọng thì trong kinh doanh thì mình phải lấy chữ tín làm đầu và sản phẩm của mình đáp ứng nhu cầu thị trường...”. Có lẽ đây chính là bí quyết tạo nên thành công của anh.

Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, anh có ước nguyện giúp đỡ anh em CCB những người khó khăn như mình, giúp họ xây dựng cuộc sống và là làm giàu bằng chính công sức lao động của họ. Với quan điểm đó, anh đã giúp đỡ anh Vũ Văn Vở cũng là thương binh 1/4 thành lập hợp tác xã Thương binh 27- 7 cùng với 56 thành viên là CCB khác chuyên khai thác vận chuyển vật liệu xây dựng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động.

Năm 2009, anh được trao tặng giải thưởng vàng “Người lính với hội nhập”, là CCB gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Trên bước đường chiến thắng số phận và đi đến thành công như ngày hôm nay, CCB Đinh Văn Bệ là một trong những tấm gương tiêu biểu…

Bài: Ánh Tuyết
Ảnh: Mai Anh