Tỷ phú “chân đất” với tấm lòng vàng (18/10/2011)
Với kết quả hơn 10 năm lao động cần cù, sáng tạo, gia đình anh từ một hộ nghèo đã trở thành một gia đình giàu có, một tỷ phú “chân đất”. Có xưởng xay xát công suất lớn và trang trại nuôi heo, nuôi cá sấu, vợ chồng anh Thịnh đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, lúc cao điểm lên tới 20 người, với mức lương từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, và hàng chục lao động làm theo thời vụ thu mua lúa, bắp, bốc xếp có thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày.
Một phần nguồn lợi thu được, anh chị dành giúp đỡ cho các gia đình CCB, gia đình nghèo và các hoạt động xã hội, từ thiện. Nhìn tập sổ sách dày cộm ghi chép chi chít, mới biết anh chị đã giúp cho gần 5.000 gia đình CCB và các hộ nghèo ở huyện Cát Tiên, các vùng lân cận như huyện Bù Đăng (Bình Phước), Tân Phú (Đồng Nai) mượn hơn 6 tỷ đồng làm vốn sản xuất, không lấy lãi. Bất kể lúc nào, gia đình ai trong xã có khó khăn đột xuất, anh chị đều sẵn lòng giúp đỡ.
Có người mượn năm, bảy chục triệu đồng, khi cần anh vẫn cho mượn thêm; nhiều gia đình không có vốn, anh Thịnh cung cấp toàn bộ heo giống, thức ăn gia súc để chăn nuôi, khi xuất chuồng thì trả lại vốn cho anh. Không sợ mất tiền, vì anh Thịnh có lòng tin vào con người, vào đồng đội. Hàng năm anh dành cả trăm triệu đồng ủng hộ quỹ vốn cho các tổ chức Hội CCB, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, các hoạt động xã hội của các đoàn thể, trường học, làm đường giao thông nông thôn, mua trang thiết bị cho Nhà văn hoá… góp phần làm nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình nghèo, gia đình CCB. 5 năm qua, mỗi năm anh đều dành hơn 100 suất quà tặng đồng bào trong dịp Tết Nguyên đán. Ông K'bá, trưởng buôn Bù Đạt nói: “Anh Thịnh bảo, khi nào đồng bào đói ăn thì cứ xuống gặp anh sẽ giúp, để không ai bị đói. Nếu bà con mua nợ gạo vài ba chục ngàn đồng thì có nợ mấy năm sau anh chị cũng vẫn tính vài ba chục ngàn. Những người già, ốm đau hoặc chết thì xoá nợ luôn”. Bà Điểu Thị Kế, CCB người dân tộc S'tiêng ở buôn Bù Đạt xúc động nói: “Nhờ anh Thịnh và chính quyền giúp đỡ tôi mới có được ngôi nhà như hôm nay để ở, ơn này tôi không bao giờ quên”. Những đợt Cát Tiên bị lũ lụt, nhiều cơ sở kinh doanh tăng giá, nhưng các sản phẩm và cửa hàng của anh Thịnh giá vẫn không tăng, anh chị còn sấy lúa, bắp miễn phí cho tất cả bà con trong thôn. Anh nói: Lợi dụng lúc thiên tai, hoạn nạn để làm giàu trên khó khăn của người khác thì cái giàu ấy là không bền, là thất đức”.
Trong những ngày ở Cát Tiên, tôi được ông Phạm Văn Phú, người hơn 13 năm là Chủ tịch Hội CCB xã Phước Cát 1 dẫn đi thăm nhiều cơ sở và bà con lao động nên càng có điều kiện hiểu thêm về tấm lòng của vợ chồng anh Thịnh.
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cơ quan, đơn vị, trường học trong huyện đều tổ chức chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, các hộ dân treo cờ vào ngày lễ, tết. Anh Thịnh đã mua 100 lá cờ và 50 cột cờ tặng các gia đình trong thôn Cát Lâm 3 với mong muốn bà con tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Anh cũng mua hàng trăm cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc tặng Đoàn Thanh niên... Trò chuyện với chúng tôi, anh Thịnh tâm sự: “Tôi là CCB, đời bộ đội gian khổ nhiều rồi, nay mình đã khá, giúp đỡ được đồng đội và bà con lao động cũng là hạnh phúc của đời mình!”.
Bất chợt, tôi nhớ tới lời nói của một đồng nghiệp “một việc làm thiện hơn ngàn lời nói thiện” và từ trong sâu thẳm, tôi bỗng thấy thèm một điều ước: Ước gì trên đời này có thật nhiều, thật nhiều những “tỷ phú chân đất” như CCB Nguyễn Văn Thịnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Chí Long