TX Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: Sự thật dần sáng tỏ (24/05/2012)

Đã hơn 10 năm trôi qua, vụ án tranh chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất giữa ông Lâm Văn Tài và ông Lý Văn Xuân (con trai ông Lý Kông Sinh, nguyên là Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, người đã từng sai phạm trong quản lý đất đai ở xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên) vẫn chưa đi đến hồi kết mặc dù đã qua các cấp tòa từ sơ thẩm, phúc thẩm rồi đến tòa tối cao và đến bây giờ khi thi hành án thì vẫn còn vướng mắc chưa thể thực hiện được, vì ông Tài vẫn chưa “tâm phục, khẩu phục” đối với quyết định giám đốc thẩm của TANDTC. Tại sao sự việc lại khó giải quyết đến vậy, phải chăng bên trong mỗi bản án vẫn còn ẩn chứa nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ?

Từ một quyết định giao đất… trên trời!

Lô đất rộng 2 ha (có tên gọi là khu Trại Trâu) mà ông Lâm Văn Tài và ông Lý Văn Xuân đang tranh chấp có nguồn gốc là của Nông trường T80 thuộc Ban Tài chính T.Ư, sau đó đổi tên thành Xí nghiệp nông lâm nghiệp Mê Linh (XNNLNML). Năm 1992, Nhà nước ta có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc (theo Chương trình của dự án PAM), ông Lưu Văn Hợp lúc đó là đội trưởng đội Trại Trâu, được XNNLNML giao cho ông trồng rừng (keo và bạch đàn). Năm 1993, do gia đình nhà ông Hợp ở xa khu Trại Trâu nên ông Hợp đã ủy quyền cho anh Lâm Văn Tài, lúc đó là cán bộ kĩ thuật thuộc đội Trại Trâu có trách nhiệm trông nom chăm sóc và cải tạo để trồng cây ăn quả thay thế những cây không phát triển được. Từ khi tiếp quản khu Trại Trâu, bằng kiến thức và kinh nghiệm của một kĩ sư nông nghiệp, anh Tài đã cải tạo khu đất cằn cỗi thành một vườn cây ăn quả xanh tốt với nhiều loại cây ăn quả đặc sản như vải, nhãn, xoài, hồng xiêm…

Trao đổi với PV, anh Tài cho biết: “Sau khi được sự ủy quyền của ông Lưu Văn Hợp, vợ chồng tôi đã dốc toàn bộ sức lực và tiền của để đầu tư trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong lúc vườn cây ăn quả đang cho thu hoạch từ 3 đến 4 triệu đồng 1 năm thì đến cuối năm 2000, tự nhiên ông Lý Kông Sinh, lúc đó là Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh tổ chức khoảng 20 người đến chặt phá gần như toàn bộ số cây ăn quả của gia đình tôi gồm na, chanh, đu đủ, hồng, chuối… với số lượng trên 300 cây các loại, gây thiệt hại cho gia đình tôi trên 20 triệu đồng (tính theo thời giá lúc bấy giờ) làm mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình tôi và đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn khổ, cùng cực. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã gửi đơn lên UBND huyện Mê Linh (lúc đó xã Ngọc Thanh thuộc huyện Mê Linh, nay thuộc TX Phúc Yên), UBND huyện Mê Linh đã thanh tra và kết luận (số 10/BC-TTr, ngày 2-10-2002) rằng khu đất Trại Trâu mà gia đình tôi đang tăng gia sản xuất, thì UBND huyện Mê Linh đã giao cho anh Lý Văn Xuân tại Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 12-9-1995 do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thể ký với tổng diện tích 23,2 ha đất rừng, trong đó khu đất Trại Trâu đó thuộc lô số A5, diện tích 2 ha.

Sau khi xã Ngọc Thanh được sáp nhập về TX Phúc Yên, UBND TX Phúc Yên đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành phúc tra lại một số vụ việc theo đơn thư phản ánh của công dân về những vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai của lãnh đạo xã này. Ngày 6-11-2005, đoàn thanh tra đã có kết luận trả lời đơn thư của công dân, trong đó có nội dung đề cập đến sai sót tại Quyết định số 02 của UBND huyện Mê Linh đã giao đất rừng cho anh Lý Văn Xuân: “Việc UBND huyện Mê Linh và các cơ quan tham mưu đã không xác minh kỹ tuổi của anh Xuân, nên đã giao đất cho Lý Văn Xuân với diện tích rừng là 42,6 ha khi anh Xuân mới 16 tuổi… Còn đối với khu đất Trại Trâu, khi ông Lưu Văn Hợp với tư cách đang là đội trưởng đội Trại Trâu, UBND huyện Mê Linh không làm các thủ tục thu hồi diện tích này mà giao cho anh Xuân là trái với các quy định của luật đất đai về giao đất”.

Đến những nhầm lẫn có hệ thống?

Một điều vô lý mà các cơ quan từ thanh tra đến các cấp tòa đều vô tình hay cố ý bỏ qua là: Ngày 14-10-2002, XNNLNML-T80 mới tiến hành giải thể, và bắt đầu bàn giao toàn bộ khu đất hàng trăm héc-ta về UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể, ngày 6-8-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2911/QĐ-CT về việc bàn giao toàn bộ diện tích 631,44 ha do XNNLNML-T80 quản lý cho: UBND xã Ngọc Thanh 625,54 ha; UBND xã Cao Minh 5,9 ha. Trong tổng số 625,54 ha mà T80 quản lý bao gồm các loại đất sau: Đất lâm nghiệp 139,15 ha (gồm 19 thửa thuộc các tờ bản đồ từ số 5 đến số 13) . Đất khác là 486,39 ha (thuộc các tờ bản đồ từ số 1 đến tờ số 4, từ số 14 đến tờ số 19 và 21. Vậy mà trước đó 7 năm, UBND huyện Mê Linh đã “nhắm mắt” ký và giao cho một thiếu niên hàng vài chục héc-ta đất rừng. Và cũng căn cứ vào Quyết định 02, các cấp tòa đã không phân tích tính pháp lý đúng hay sai của quyết định đó mà đã phán quyết rằng phần diện tích đất 2 ha và tài sản trên đất là của anh Lý Văn Xuân.

Cần có một quyết định tái thẩm

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Anh Đức, Trưởng văn phòng luật sư Đặng và cộng sự (địa chỉ 108 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), là luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Lâm Văn Tài đã đưa ra những tình tiết mới của vụ án mà ngay cả bản thân đương sự là ông Lâm Văn Tài đến thời điểm này mới được biết: “Bảng tổng hợp số phiếu - số tờ bản đồ XNNLNML-T80 và sổ dã ngoại và tính diện tích XNNLNML-T80 năm 2002 thì phần diện tích của gia đình ông Lâm Văn Tài đang tranh chấp với gia đình ông Lý Văn Xuân thửa đất số 10, tờ bản đồ số 51 xã Ngọc Thanh và bản đồ hiện trạng sử dụng đất XNNLNML-T80 tờ bản đồ số 1 thì diện tích 13.782m2 là loại đất thổ cư.

Trong Quyết định số 2911 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giao diện tích đất của XNNLNML-T80 cho xã Ngọc Thanh và Cao Minh được kê khai chi tiết khi bàn giao, tờ bản đồ số 1 không có đất nào là đất lâm nghiệp.

Quyết định giao đất số 02/QĐ-UB ngày 12-9-1995 của UBND huyện Mê Linh giao đất cho ông Lý Văn Xuân thuộc tờ bản đồ số 1 khoảnh II, là loại đất lâm nghiệp. Như vậy ta thấy, giữa hai mảnh đất trên có sự khác nhau về số tờ bản đồ, số thửa và loại đất. Từ những căn cứ trên ta có thể khẳng định mảnh đất mà ông Xuân được giao không phải là mảnh đất mà ông Tài đang tranh chấp với gia đình ông Xuân.

Thời điểm ra Bản án phúc thẩm 74/2008/DSPT ngày 6-10-2008 và Quyết định giám đốc thẩm số 846/2011/DS-GĐT ngày 15-11-2011 thì căn cứ trên không được xem xét.

Ngoài ra, ta có thể xét thêm một số tình tiết để chứng minh cho việc Quyết định giao đất số 02 giao đất cho ông Xuân thuộc tờ bản đồ số 1, khoảnh II, là loại đất lâm nghiệp là trái với quy định của pháp luật, vì tại thời điểm giao 23,2 ha đất rừng cho ông Xuân, trong đó có 2 ha đất rừng thuộc lô A5 (thuộc quyền sử dụng của T80, mà ông Tài đang trược tiếp quản lý), UBND huyện Mê Linh không ra quyết định thu hồi đất mà vẫn giao cho anh Xuân là trái với quy định của Luật Đất đai về việc giao đất.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, theo Khoản 1, Điều 305, Bộ luật tố tụng dân sự: “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” thì căn cứ trên đây chính là tình tiết mới của vụ án và đủ điều kiện để tiến hành đề nghị tái thẩm”.

Như vậy vụ án tranh chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất giữa ông Lâm Văn Tài và ông Lý Văn Xuân sau hơn 10 năm gây sự ngờ vực đối với dư luận, đến giờ này những chứng cứ mới đã được tìm ra. Liệu cái đúng có thuộc về “người ngay”, câu trả lời xin dành cho những người có tâm, có tài cầm cán cân công lý.

Dương Quốc