Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: Kết tinh và sáng mãi những giá trị cao đẹp

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu.

Tiếp nối thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập long trọng khẳng định với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập".

Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, một áng văn lập quốc vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Ngày 28-8-1945, trên căn gác hai của ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 30-8-1945, Người mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 31-8-1945, Người bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Xét theo quá trình, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ ra đời sau thời điểm 3 ngày kể trên, mà tư tưởng của nó đã được suy ngẫm, được hình thành từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây (năm 1919) bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi quyền bình đẳng về mặt pháp lý và đòi các quyền tự do, dân chủ. Người đã chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập bằng cả thực tiễn mấy chục năm dài hoạt động trong phong trào cách mạng thế giới và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập là sáng tạo của cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đồng thời là sản phẩm của lịch sử; là kết quả của những hy sinh của dân tộc trong gần một thế kỷ đấu tranh dưới ách xâm lược của thực dân, đồng thời là sự kết tinh giá trị của hàng ngàn năm văn hóa Việt Nam.

Được suy ngẫm và viết ra bởi Hồ Chí Minh - Người mà trọn đời chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”( 1), tư tưởng chủ đạo, nổi bật trong bản Tuyên ngôn Độc lập là Độc lập - Tự do, là tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình và tinh thần nhân văn cao cả. Vì thế, trong văn bản chính trị đặt biệt này, dù ngôn ngữ luật pháp được vận dụng triệt để, các phát ngôn rất kiên định, cương quyết nhưng chúng ta không hề thấy sự lên gân, cứng nhắc mà lại rất tự nhiên, dễ đi vào lòng người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những dẫn chứng hùng hồn, ngắn gọn, cụ thể để vạch trần sự áp bức tàn bạo của bọn thực dân, phát xít đối với dân tộc Việt Nam. Trái tim Người đau xót khi nói về tình cảnh của nhân dân dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Trái tim ấy cũng chất chứa “thái độ khoan hồng và nhân đạo” của truyền thống đạo nghĩa dân tộc Việt Nam khi tuyên bố với thế giới rằng: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”. Và trái tim ấy tràn ngập niềm vui sướng, tự hào khi: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.

Không chỉ đấu tranh cho quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước mình, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam là bộ phận khăng khít, là sự tiếp nối tiến trình đấu tranh vì “lẽ phải”, vì sự tiến bộ của loài người, là cuộc đấu tranh giành lại quyền thiêng liêng nhất của các dân tộc.

Thực tế là từ thời khắc lịch sử - ngày 2-9-1945, các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ cùng cả loài người tiến bộ đã ngước nhìn, lắng nghe Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trong không khí thiêng liêng đón chờ của hàng vạn đồng bào: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa - Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta - Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (2).

77 năm đã trôi qua kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á ra đời, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ đang ngày càng vững vàng trong sự nghiệp đổi mới, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Thành tựu vĩ đại này phải trả bằng trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam mà Người đi tiên phong, có công lao lớn nhất trong sự nghiệp này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đúng như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, người đồng chí, cộng sự gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước… chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”.

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)