Người phát ngôn của Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên cho biết vệ tinh Kwangmyongsong-3 sẽ được phóng đi từ trạm phóng vệ tinh Sohae ở quận Chosan, tỉnh Phyongan trong thời gian từ ngày 12 đến 16-4-2012 bằng tên lửa đẩy Unha-3 với quỹ đạo an toàn cho vệ tinh để các mảnh vụn từ lần phóng vệ tinh này không ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng cho phép các chuyên gia và phóng viên nước ngoài tới quan sát việc phóng vệ tinh và sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về khoa học vũ trụ và công nghệ cũng như các nhà báo tới thăm trạm phóng vệ tinh và các cơ sở khác vào tháng tới.

CHDCND Triều tiên cho rằng, việc phóng vệ tinh này phù hợp với chính sách của chính phủ về phát triển công nghệ vũ trụ và sử dụng cho các mục đích dân sự, phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế, khai thác khoa học và các mục đích hòa bình khác. Phóng vệ tinh sẽ là sự khích lệ lớn cho toàn quân toàn dân trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh; bởi mọi quốc gia đều có quyền thám hiểm không gian một cách hòa bình và rằng các lệnh cấm vận của LHQ nhằm ngăn cản nước này thử nghiệm tên lửa đạn đạo không được áp dụng trong trường hợp này. Hoạt động phóng vệ tinh là một phần của chương trình không gian hòa bình, nằm ngoài nghĩa vụ giải trừ vũ khí. Hơn nữa, chương trình hạt nhân và tên lửa là cần thiết để tự bảo vệ trước 28.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc và rất nhiều binh sĩ cũng như tàu chiến hạt nhân trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây cho rằng, Triều Tiên đang nỗ lực phát triển một thiết bị đủ nhỏ để gắn vào tên lửa với tầm phóng đạt đến Mỹ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngay cả trước khi có tuyên bố về kế hoạch phóng vệ tinh đã lên cao bởi những cuộc tập trận liên tiếp của cả Bình Nhưỡng và Xơ-un. Quân đội Triều Tiên vừa kết thúc cuộc diễn tập bắn đạn thật bằng pháo ở một căn cứ quân sự tại phía tây nam, gần khu vực đảo từng có xung đột với Hàn Quốc. Trong cùng thời gian, Hàn Quốc và Mỹ liên tục có các cuộc tập trận tác chiến điện tử cũng như bắn đạn thật trên thực địa với sự tham gia của các binh chủng.

Ngay sau khi thông tin này được phát đi, đã nhanh chóng có phản ứng trước động thái rất đáng lo ngại này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun đã thúc giục Triều Tiên xem xét lại kế hoạch phóng vệ tinh vào tháng 4 tới, trong khi đó Mỹ cho rằng việc làm này khiến cho việc thực hiện viện trợ lương thực trở nên khó khăn, vì nó đặt ra một câu hỏi về độ tin cậy trong những lời nói của phía CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, kêu gọi các thành viên của cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều tiên thúc giục họ sử dụng ảnh hưởng nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh sắp tới. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã cùng lên án kế hoạch và dùng biện pháp mạnh mẽ khi Triều Tiên phóng vệ tinh, theo đó, Nhật Bản dọa sẽ bắn hạ vệ tinh của Triều Tiên; còn Mỹ có thể dùng biện pháp quân sự đối với nước này. Các nước này không tin Triều Tiên muốn phóng vệ tinh lên quỹ đạo mà họ cho rằng, đó chỉ là một vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa tầm xa. Đồng thời cho rằng vụ phóng vệ tinh sẽ là hành động khiêu khích đe dọa đến hòa bình an ninh khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, lên án kế hoạch này và cho rằng nó vi phạm lệnh cấm của LHQ đối với các cuộc phóng vệ tinh của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc CHDCND Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa, đồng thời tin rằng vì lợi ích chung, tất cả các bên liên quan cần duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Bắc Kinh hy vọng các bên kiềm chế và bình tĩnh để tránh gây căng thẳng leo thang làm cho tình hình thêm phức tạp.

Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa vệ tinh của Triều Tiên “gây lo ngại sâu sắc” và đề nghị Bình Nhưỡng cân nhắc lại. Vì thế, để bảo vệ hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên và cũng là mong đợi của cộng đồng quốc tế, điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan thực hiện vai trò mang tính xây dựng. Ngày 26 và 27-3-2012, Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về An ninh hạt nhân với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Mỹ. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ được thảo luận bên lề hội nghị.

Thanh Lâm