Tương lai nào cho Xy-ri? (22/03/2012)

Một năm qua, bạo lực và đổ máu tại Xy-ri đã làm khoảng 8.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải lánh nạn. Làn sóng người tị nạn đổ xô sang các nước làng giềng, đặc biệt là các khu trại tạm dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng quốc tế kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và đổ máu tại quốc gia Trung Đông này. Đây là động thái phối hợp với những hành động của Hội đồng Bảo an LHQ, dựa trên những ý định của Nga và Liên đoàn Ả-rập về kế hoạch đảm bảo quyền tiếp cận cho các nhóm hoạt động nhân quyền một cách vô điều kiện, chấm dứt bạo lực, nối lại các cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập, đồng thời đảm bảo cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Những đề xuất của Ma-rốc, Trung Quốc hay mới nhất là của ông Cô-phi An-nan, đặc phái viên LHQ về vấn đề Xy-ri đều đã được đặt lên bàn nghị sự. Chính phủ nước này đã đưa ra phản hồi tích cực và rõ ràng đối với đề xuất của ông Cô-phi An-nan, đặc biệt trong hai vấn đề chấm dứt bạo lực và cứu trợ nhân đạo; khẳng định chủ quyền của Xy-ri phải được tôn trọng, đồng thời kêu gọi Mỹ và phương Tây giảm nhẹ áp lực để tạo cơ hội thúc đẩy tiến trình chính trị hòa bình.

Chính quyền Xy-ri cũng đã nỗ lực tạo ra bước tiến về chính trị với việc thông qua hiến pháp mới tăng cường tính dân chủ, minh bạch của hệ thống chính trị và tuyên bố bầu cử quốc hội vào ngày 7-5 tới dựa trên những nguyên tắc mà bản hiến pháp này đề ra. Tuy nhiên, cả phe đối lập và phương Tây đều cho rằng đó chỉ là những cải cách mang tính hình thức và vẫn tiếp tục gây sức ép với Chính phủ Xy-ri. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp cho rằng, Tổng thống Át-xát đã “chậm” triển khai những cải cách theo đề nghị của Nga. Đây là bình luận “thực sự hiếm hoi” từ phía Nga, thể hiện sự thất vọng đối với nhà lãnh đạo Xy-ri.

Sau một năm bất ổn, tình hình ở Xy-ri vẫn không có tiến triển. Nghi ngờ về một cuộc can thiệp quân sự vào Xy-ri đang ngày càng trở nên rõ nét sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố xem xét thiết lập “vùng đệm” bên trong lãnh thổ Xy-ri. Nó cũng sẽ không khác gì “vùng cấm bay” do Liên đoàn Ả-rập (AL) áp đặt tại Li-bi cách đây hơn một năm. Trong khi 5 nhóm đối lập ở nước này cũng quyết định thành lập liên minh chống chính phủ và đã đi tới quyết định thành lập liên minh mới tồn tại song song với Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC) nhằm gia tăng sức ép chống chính quyền của Tổng thống Ba-sa An-át-xát. Việc kéo dài tình trạng bất ổn sẽ càng tăng thêm nhiều người dân Xy-ri thiệt mạng hoặc phải rời bỏ quê hương đến những trại tị nạn để sống một cuộc sống thiếu thốn trăm bề và không có tương lai.

Tuấn Minh