Tương lai bất định

Tổng thống Nga - Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Nga - Dmitry Medvedev tại một cuộc họp nội các tháng 1-2020.

Trong khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và câu hỏi Ukraine có trở thành một nước trung lập hay không vẫn còn bỏ ngỏ thì cánh cửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại rộng mở với Phần Lan và Thụy Điển. Lò lửa chiến tranh ở châu Âu chẳng những không nguội đi mà còn có nguy cơ lan rộng, đẩy châu Âu vào một tương lai bất định, tương lai của đối đầu căng thẳng với vũ khí hạt nhân ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Ông Dmitry Medvedev - Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 15-4 cảnh báo: Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO thì Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở một khu vực châu Âu. Tuy vậy, có vẻ lời cảnh báo của Nga sẽ không làm Phần Lan và Thụy Điển thay đổi ý định gia nhập NATO của mình. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.300km với Nga và Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin cho biết nước này sẽ quyết định trong vài tuần tới.

Việc NATO không ngừng mở rộng là một sức ép an ninh lớn đối với Nga. Moscow luôn bày tỏ quan ngại về một NATO được lập ra với mục đích phòng thủ chung thì lại ngày càng mở rộng tiến dần đến biên giới của Nga. Theo những tuyên bố từ phía Nga thì việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine một phần vì lý do Ukraine muốn gia nhập NATO. Giờ đây, thêm hai nước, trong đó có Phần Lan có chung biên giới với Nga lại vào NATO thì rõ ràng Nga sẽ phải tăng cường “rào chắn” phía Tây của mình. Không bất ngờ khi Nga bóng gió nhắc đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân răn đe khi mọi sức ép kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… đều đang dồn vào Moscow. Điều bất ngờ là Phần Lan và Thụy Điển vốn duy trì vị thế trung lập hàng chục năm nay bỗng thay đổi quan điểm và muốn là thành viên NATO càng sớm càng tốt.

Những câu hỏi lớn đặt ra lúc này không còn là Phần Lan và Thụy Điển có gia nhập NATO hay không, mà là khi nào thì họ sẽ gia nhập, liệu họ được gia nhập cùng nhau hay không, và có lẽ quan trọng nhất là liệu họ có được những đảm bảo an ninh trong khoảng thời gian (có thể là vài tháng) khi các đơn xin gia nhập của họ chờ được phê chuẩn để trở thành thành viên chính thức của liên minh hay không? Rõ ràng đây là một sự thay đổi sâu sắc tại hai quốc gia từng không có sự liên kết về quân sự kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Thủ tướng Phần Lan - Sanna Marin cho biết: “Chỉ trong vài tuần nữa” là quốc gia Bắc Âu này sẽ quyết định về việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển - Magdalena Andersson cũng đang đặt mục tiêu gia nhập NATO kịp thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 tới.

Với NATO, rõ ràng sẽ không có lý do gì để từ chối nếu có thêm hai nước phát triển gia nhập. NATO chắc chắn sẽ có cơ chế đặc biệt để sớm chào đón hai thành viên mới này nên hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các thành viên hiện nay trong khối có bất kỳ vấn đề nào với hai nước này. Trên thực tế, dù chưa là thành viên NATO, hai quốc gia Bắc Âu này đều thường xuyên tham gia các hoạt động tập trận của liên minh và đã có sự tương tác với toàn bộ thành viên khối NATO.

Như vậy, chẳng sớm thì muộn Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO, khiến an ninh châu Âu càng thêm bất ổn khi cán cân an ninh thay đổi. Và nếu cảnh báo của Nga trở thành hiện thực, Nga sẽ tăng cường các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Baltic. Theo ông Medvedev: “Không thể bàn cãi thêm về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào đối với Baltic - sự cân bằng phải được khôi phục”. Tuy nói vậy, Nga vẫn hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ nhận thức được vấn đề bởi theo ông Medvedev “nếu không họ sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ngay sát nhà mình”.

Chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Các loại vũ khí hiện đại như tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh… đều đã được sử dụng. Những lời cảnh báo, răn đe hạt nhân cũng đã được đưa ra. Vậy nên, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO chắc chắn sẽ đẩy an ninh châu Âu vào một tương lai bất định.

Thanh Huyền