Tượng đài là tượng đài

Những ai đã từng chứng kiến buổi “cãi vã” giữa các nhà làm phim với ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải Thủy Vivaso thì mới thấy gỡ mối bòng bong này không hề đơn giản, nếu vẫn thiếu một cái nhìn trực diện.
Đúng là bề dày truyền thống của PTVN thật là lớn, không gì thay thế được. Nhưng rõ ràng PTVN đã không sống được, chứ chưa nói đến phát huy truyền thống trong thời buổi thị trường hiện nay.
Đây hoàn toàn không phải lỗi của con người, mà nó là tất yếu khách quan trong cơ chế hiện nay. Nếu cứ để mãi PTVN làm việc lay lắt như thế thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tôi không tin đổ thêm tiền, của vào thì PTVN sẽ cất cánh được.
Cũng chính xuất phát từ tư duy “bảo tồn phát huy” một cách máy móc mà các “đao phủ” đã lợi dụng lách vào kẽ hở của pháp luật, bán đứng PTVN. Cuộc mua, bán “vô văn hóa” này sẽ còn tiếp tục nữa; “đất vàng” sẽ còn mất; truyền thống của PTVN sẽ còn bị bôi nhọ, nếu không suy xét lại có cách làm khác.
Có ý kiến đưa ra mới nghe có vẻ chưa thuận, nhưng không phải không có cơ sở. Đó là, trong điều kiện hiện nay khi mà chưa tìm được người đủ “tâm”, đủ “tầm”, đủ “tiền” để trao trách nhiệm cho họ đưa PTVN không ngừng phát triển thì tốt nhất là tạm thời cho PTVN phá sản.
Nhà nước có một chính sách ưu tiên đặc biệt để bảo tồn, lưu giữ truyền thống PTVN; tạo điều kiện thuận lợi cả vật chất và tinh thần cho các nghệ sĩ, diễn viên, các nhà đạo diễn, công nhân viên tìm được nơi làm mới, phát huy tài năng, hoặc giải quyết chính sách. Trả đất hãng phim đang sử dụng về đúng nhà quản lý...
Huy Thiêm