Tượng đài “Du kích làng Nguyên Xá”
Xây dựng chung trên một khoảng đất rộng gọi là khu truyền thống (tượng đài, nhà truyền thống, CLB, vườn trẻ, nơi múa rối nước, sân thể dục thể thao, trụ sở ủy ban…), tượng đài “Du kích làng Nguyên Xá” gồm có tượng du kích và hai bức chạm nổi hình ảnh của ba cuộc đấu tranh chống giặc thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, dựa theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu kháng chiến. Tượng người du kích cao 3,3m (tính cả bục tượng là 7,3m) mặc áo nâu, tay phải cầm thanh mã tấu, tay trái nắm chặt chiếc kèn đồng, lưng đeo quả lựu đạn tự chế tạo, miệng mím chặt, lông mày hơi dựng lên, mắt sắc, cả thân người rướn về phía trước trong tư thế sẵn sàng phát lệnh kèn chiến đấu, kêu gọi toàn thể dân làng tiến lên tiêu diệt kẻ thù. Bức chạm nổi phía trái của tượng du kích cao 2,65m, ngang 4m mô tả một trận xung phong đánh đuổi giặc. Đây là những cụ phụ lão anh hùng, những thanh niên du kích quả cảm, là chú bé gan dạ đang thừa thắng tiến lên truy kích đánh cho giặc Pháp phải cắm đầu chạy. Còn bức chạm nổi dựng bên phải, cũng cao 2,65m, ngang 2m là cảnh sản xuất, học tập, sinh hoạt của nông thôn ta trong kháng chiến chống Pháp. Một nữ du kích khỏe, đẹp, cầm súng tiểu lên đứng gác; một du kích chăm chú dạy bà mẹ tập đánh vần quốc ngữ và chú bé đang tung tăng cắp sách đến trường, một thanh niên khác bừa đất, bên anh còn có bà lão cấy lúa và con trâu béo… Thông qua việc xây dựng hệ thống hình tượng nói trên, các tác giả muốn làm nổi bật hình ảnh người chiến sĩ du kích hiên ngang đứng giữa trời cao, với tinh thần mưu trí, sáng tạo, với ý chí quyết chiến, quyết thắng và tiếng kèn đồng hùng tráng đã cùng tập thể nhân dân anh hùng đánh thắng giặc, bảo vệ xóm làng, quê hương.
Chủ đề tư tưởng tốt; hình khối, đường nét trau chuốt, bố cục khỏe, chặt, tiết điệu phóng khoáng, trữ tình, sôi nổi, đấy là mấy nét ưu điểm chính của cấu trúc tượng đài “Du kích làng Nguyên Xá”. Bên cạnh giá trị thẩm mỹ trên đây, ý nghĩa giáo dục truyền thống, chiến đấu cũng rất lớn. Khởi công từ ngày 1-6-1967 cho đến ngày 6-10-1968 mới hoàn thành. Trong hơn một năm thi công, mặc dù lúc ấy địch còn đang bắn phá gắt gao, các đồng chí phụ trách chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã vẫn tích cực giúp nhiều phương tiện, nguyên vật liệu xây dựng (đá, đất, cát, xi măng) nhất là tạo điều kiện cho các tác giả am hiểu thấu đáo lịch sử chiến đấu và xây dựng của xã.
Tất cả vật thể, sự việc, nhân vật được thể hiện trong tượng đài đều là những vật thể, sự việc có thực, những con người sinh động đã từng sống, chiến đấu ở địa phương. Trong phong trào thi đua sản xuất và học tập của bà con Nguyên Xá đang độ hào hứng, khẩn trương. Năm 1967, nhân dân Nguyên Xá đạt 7 tấn 403kg thóc một héc-ta cả năm và trong buổi lễ khánh thành tượng đài truyền thống, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã kêu gọi mọi người hăng hái phấn đấu đạt 8 tấn thóc một héc-ta cả năm 1968, tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho. Dưới đây, xin trích một số bài vịnh, câu đối của bà con Nguyên Xá đã cảm tác về bức tượng đài du kích:
Vịnh tượng đài
“… Tượng đài truyền thống đứng hiên ngang
Giữa rặng cây xanh biển lúa vàng
Mã tấu vung lên thù tán loạn
Kèn đồng lệnh xuống địch tan hoang
Giặc Tây bao trận khuân thây chạy
Quân ngụy từng phen nộp súng hàng
Kháng chiến chín năm gian khổ vượt
Muôn đời lịch sử ánh vinh quang”.
Chung Thủy
Và cụ Hữu Úc, cán bộ MTTQ xã cũng có câu đối:
Tay vung mã tấu đuổi giặc Tây, danh tiếng trăm năm còn nhớ mãi
Miệng thổi kèn đồng tan quân ngụy, anh hùng muôn thuở vẫn ghi sâu.
Lê Hồng Thiện