Tượng đài chiến thắng sân bay Vĩnh Long
Em Lê Văn Hòa - sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long cho biết: “...Là thế hệ trẻ, chúng em rất xúc động và biết ơn những anh hùng đã hy sinh vì nước nói chung, Vĩnh Long nói riêng. Các bác, các anh luôn là tấm gương sáng để chúng em học tập suốt đời...”.
Qua tìm hiểu các nhân chứng lịch sử, chúng tôi biết: Với trận đánh lịch sử này được ta tổ chức bí mật, bất ngờ vào đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân - 1968, đã giành thắng lợi to lớn; ta phá hủy rất nhiều máy bay và tiêu diệt nhiều sinh lực Mỹ - ngụy, làm chúng vô cùng hoang mang, lo sợ bởi cách đánh "xuất quỷ nhập thần" của các chiến sĩ Đại đội đặc công và Đại đội 203, Tiểu đoàn 857.
18 giờ ngày 29 Tết Mậu Thân (tức 30 Tết), lực lượng ta tập kết đầy đủ tại xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, thị xã Vĩnh Long. Toàn bộ chiến sĩ được lệnh hóa trang bằng bùn đất và than. 21 giờ quân ta áp sát sân bay Vĩnh Long. Mục tiêu sân bay được địch canh phòng rất cẩn mật với hàng chục lớp rào kẽm gai và tổ chức tuần tra suốt ngày đêm.
Các chiến sĩ đặc công vừa cắt rào, vừa ngụy trang để tránh sự phát hiện của địch. Đúng Giao thừa, Đại đội Đặc công cùng với Tiểu đoàn 857 đã chiếm lĩnh tất cả các nơi trọng yếu trong sân bay. Đúng 3 giờ sáng, trận đánh bắt đầu. Các chiến sĩ dùng bộc phá mở cửa vào sân bay. Quân ta như từ trên trời rơi xuống. Địch trở tay không kịp. Trong sân bay, tiểu đoàn bộ binh ngụy bị đánh tơi tả.
Mở đầu trận đánh, quân ta làm chủ tình hình, phá hủy 63 máy bay, diệt một số tên. Ở đường băng thứ 2, trận chiến diễn ra rất ác liệt. Nhà xe, máy móc, nhiên vật liệu đều tập trung ở đây. Quân ta đánh phá nhanh, gọn kho đạn dược, đốt cháy kho xăng của địch. Địch chống trả quyết liệt và cho gọi viện binh. Pháo sáng bắn lên đầy trời. Cả sân bay rực sáng như ban ngày. Nhờ hỏa lực và lực lượng chi viện, địch từng bước ổn định và bắt đầu kiểm soát lại trận địa, tình hình biến chuyển, tương quan lực lượng bất lợi cho ta. Lúc này mỗi chiến sĩ phải chống trả với 10 tên địch, trong khi trời bắt đầu sáng. Để bảo toàn lực lượng, đơn vị quyết định rút quân. Bộ đội vừa đánh trả địch, vừa khẩn trương rút về căn cứ ở xã Tân Hạnh.
Kết thúc trận đánh, ta diệt hơn 100 tên Mỹ, ngụy, phá hủy 63 máy bay cùng máy móc, nhà xe, kho xăng, đạn dược của địch. Về ta, 43 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng.
Để ghi nhớ công lao các chiến sĩ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tỉnh Vĩnh Long xây dựng Đài tưởng niệm trong khuôn viên sân bay Vĩnh Long (cũ) thuộc khóm 2, phường 9, T.P Vĩnh Long ngay trên phần đất mà các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 203 thuộc Tiểu đoàn 857 và Đại đội đặc công của tỉnh đã ngã xuống khi tấn công vào sân bay Vĩnh Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khuôn viên Đài tưởng niệm có diện tích hơn 500m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 1,1 tỷ đồng.
Công trình thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đối với những người đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Đây còn là nơi các CCB thường xuyên tổ chức nói chuyện truyền thống cho học sinh, sinh viên tỉnh Vĩnh Long.
Phan Thị Anh Thư