Tuổi nhỏ - Nỗ lực lớn

Con đường đến với cái chữ của các em học sinh DTTS vẫn còn nhiều gian nan
Từ trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) vào đến Trường phổ thông DTTS Nậm Mường chỉ có độ hơn 20km nhưng chỉ toàn đường đất trơn trượt, lởm chởm đá núi. Mà thời tiết nơi đây lại mưa nắng thất thường, vừa mưa xối xả, thoáng chốc đã tạnh ngay nên nhiều khi lũ ống, lũ quét cứ bất ngờ ập đến.

Đánh vật với những đoạn đường lầy lội, trơn truội, bánh xe quay tít phải quấn thêm xích vào mới rất vất vả đẩy xe đi được. Các cô giáo ở đây bảo đến mùa mưa còn lầy lội nữa, phải hai người đẩy xe thì mới đi được. Còn với các em học sinh thì chỉ có cách đi bộ. Đây là trường bán trú nên các em ở lại trường đến cuối tuần mới về, còn những em nhà xa quá thì có khi cả tháng mới về.

Mới 7 giờ trời đã tối mịt, ánh sáng leo lắt từ chiếc bóng điện nhỏ chập chờn lan tỏa trong căn phòng im ắng, thỉnh thoảng chỉ thấy tiếng nổ lép bép từ phía bếp lửa. Bọn trẻ đứa đã lên giường, đứa đang ngồi quanh bếp trầm tư. Nhìn những đứa trẻ nói tiếng Kinh còn chưa sõi, đã phải xa nhà lên trường học, phải tự lo lấy mọi việc; có đứa tóc rối bù hình như lâu rồi chưa gội, chưa chải cứ lủi thủi chơi với nhau, mới thấy hết được sự nhọc nhằn của việc học cái chữ.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh DTTS miền núi, cụ thể là với học sinh bán trú được hỗ trợ mỗi tháng 480.000 đồng (bằng 40% mức lương cơ bản) và 15kg gạo; nhưng để theo học được đối với các em và gia đình đó là một nỗ lực rất lớn. Có những em không đủ điều kiện học bán trú (nhà cách trường hơn 4km) nhưng vì đường đi học quá khó khăn mà gia đình phải thuê hoặc dựng lều tạm ở gần trường rồi mấy nhà cắt cử một người lớn thay nhau ở lại trông các con.

Không ít người còn tỏ ra nản chí vì có những em nỗ lực theo học suốt 12 năm, rồi thi đỗ cao đẳng, học xong ra trường không xin được việc làm lại về nhà làm ruộng, khiến cho cái sự học ở vùng cao càng thêm gian nan khó khăn hơn.

Thầy Giàng A Sở - Hiệu trưởng Trường phổ thố thông DTTS Chế Tạo (Yên Bái) chia sẻ: “Nhà nước đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền của để cho các em cơ hội đến trường; các em và gia đình cũng vất vả, gian nan lắm mới cho con đi học được, ai cũng mong có cái chữ để thay đổi cuộc sống. Nhưng nếu học xong không tìm được việc thì cái sự thay đổi đó còn xa lắm. Vậy nhưng tôi vẫn phải động viên gia đình và các em rằng có cái chữ vẫn hơn chứ, học được cái chữ là học cách suy nghĩ, mới có cơ hội thay đổi và phát triển được”.

Phượng Diễm