Túi sỏi rải đường của Bác
Chuyện là vào giữa năm 1951, khi đó tôi đang là nhân viên của Ban Bí thư Tổng cục Cung cấp (TCCC). Cơ quan lúc này đóng ở Định Hóa, Thái Nguyên. Một hôm, đồng chí Trần Đăng Ninh-Chủ nhiệm TCCC gọi tôi đến và giao nhiệm vụ: “Cô cầm phong bì thư này đi cùng đồng chí Nhất (cùng cơ quan, người Cao Bằng) sang cơ quan Bộ tổng, xin gặp và trao tận tay Bác cho tôi…”.
Nhận nhiệm vụ đồng chí Trần Đăng Ninh giao, tôi bàng hoàng một lúc, không nghĩ là mình có được vinh hạnh lớn lao như vậy. Nhưng rồi cũng rất sợ, nhỡ có điều gì Bác hỏi mà mình lại lớ ngớ, không biết trả lời….
Hứa với đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, hai anh em chúng tôi khẩn trương lên đường.
Vừa bước chân tới lán ở của các đồng chí bảo vệ Bác, tôi đã nhận ra đây là nơi cơ quan mới chuyển tới. Điều đập vào mắt tôi trước tiên là các đồng chí quân sự hóa triệt để. Hầu như không có một vật gì thừa. Là lính như chúng tôi, cũng đã quân sự hóa nhưng vẫn còn giấy tờ lỉnh kỉnh (lính văn phòng mà). Hôm đó, sau khi đưa thư của đồng chí Trần Đăng Ninh, tôi được Bác cho ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm đơn sơ nhưng Bác ăn rất ngon miệng. Bác chỉ vào đĩa cá và nói: “Con cá trong bữa cơm hôm nay là đồng chí đầu bếp ra suối câu để cải thiện đó!”.
Sau bữa cơm, không may tôi lên cơn sốt rét phải nghỉ lại chỗ các đồng chí bảo vệ. Lúc đó, tôi thoáng nghe các đồng chí bàn bạc: “Chủ nhật tới ta ra suối lấy sỏi cuội về rải các bậc lên nơi lán Bác”.
Dứt cơn sốt, nhìn ra cửa sau, tôi thấy một cái lán nhỏ, muốn lên đó phải bước ngót chục bậc thang. Mỗi bậc đã được ken bằng những cây nứa nhỏ còn tươi, nhưng mặt bậc vẫn là đất đỏ. Vì vậy, mà các đồng chí ở đây mới bàn nhau lấy sỏi cuội về rải, để khi mưa, Bác và mọi người không bị trơn trượt. Trước cửa lán của Bác, có một cửa hang thông vào núi để đề phòng khi cần thiết Bác vào đó trú ẩn. Tôi nghe Bác dặn anh em: “Chúng ta qua suối hằng ngày, cứ ai về thì mang theo một bọc sỏi là được”. Nghe Bác nói vậy, mấy anh ngạc nhiên: “Sao Bác biết?”. Càng ngạc nhiên hơn, chiều hôm đó Bác đi công tác về cùng với đồng chí bảo vệ. Khi đến chân bậc thang, Bác dốc từ hai túi áo ra số sỏi Bác đã nhặt ở suối và đồng chí đi cùng cũng đổ ra một đùm sỏi đổ vào đó. Không kể bao việc làm lớn lao khác, chỉ việc làm của Bác tuy nhỏ nhưng nó in đậm trong tâm trí tôi cho tới bây giờ. Bác là tấm gương sáng, nói đi đôi với làm, luôn lo cho dân, thương yêu cộng sự, người giúp việc của mình.
Việc làm nho nhỏ của Bác, lập tức được anh em thực hiện ngay. Chiều ra suối tắm giặt…, khi về mỗi người kèm theo một bọc sỏi đổ vào đống sỏi đó. Đúng là góp gió thành bão, chỉ 1 ngày, đống sỏi đó đã kha khá.
Sáng hôm sau, tôi ra suối, lúc về tôi cũng nhặt được một đùm sỏi nhỏ. Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi.
Trên đường về cơ quan, tôi luôn tâm niệm: Bác là con người chí tình, chí nghĩa đối với dân, với nước. Bác gương mẫu từ những việc rất nhỏ, rất bình dị. Bác luôn thể hiện tình thương bao la, không để phí công sức của mọi người.
Học tập Bác, tôi luôn tự nhủ mình: phải luôn khiêm tốn học hỏi, học ngay tinh thần tận tụy, hy sinh của những đồng chí sống cùng Bác… Sống giản dị trong sinh hoạt, luôn tu dưỡng để giữ mình trong sạch…
Vì vậy suốt cuộc đời tôi và mọi thành viên trong gia đình tôi đều bảo nhau cố gắng học và làm theo được những điều Bác dạy qua một lần gặp Bác, được Bác cho ăn cơm cùng Bác...
Tôi luôn tâm niệm: Sống khiêm tốn, giản dị và trong sạch
Đến nay chồng tôi đã mất, ông là Thiếu tướng Giáo sư, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thúc Mậu. Tôi cũng đã quá tuổi “cổ lai hy”. Con cái đều ngoan ngoãn, hiếu thảo và góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước.
Thanh Lịch