Tục uống rượu cần của đồng bào Tây Nguyên
Ở Tây Nguyên, rượu cần được xem là sản vật, lễ vật, có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội. Không có rượu cần thì không có các lễ cưới xin, ma chay, sum họp cộng đồng,…
Rượu cần giữ vai trò là lễ vật khi kính dâng lên các thần linh, giao tiếp với các đấng siêu hình. Với bạn bè, rượu cần là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên đôi lứa. Trước khi thực hiện giao lưu tình cảm, rượu cần làm nghĩa vụ thông báo, dâng mời, cầu xin các vị thần linh chứng giám hoặc ban phước. Dù sử dụng trong dịp nào, tục uống rượu cần cũng vẫn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Để có được ché (bình) rượu, phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng và rượu đạt chất lượng cao nhất.
Ở Tây Nguyên gia đình nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ pha chế cho một ché rượu lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Chính vì thế mà không rượu nhà ai giống nhà ai, do rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau của từng gia đình. Tuy nhiên có một điều ai cũng phải tuân theo là trong thời gian làm men rượu, kể cả làm rượu, phải giữ cho thân thể thật sạch sẽ, “kiêng” những chuyện được cho là phàm, tục... Đồng bào cho rằng nếu không thanh tịnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của men rượu.
Rượu cần uống ngay trong ché, không phải chưng cất hay chắt lọc gì nữa và bảo đảm rượu sạch 100%.
Người Tây Nguyên uống rượu rất công bằng, khi rót hết nước trong ca, nghĩa là khách đã uống hết phần rượu của mình, cách rót nước như vậy gọi là đong “kang”. Cách đong “kang” này còn biểu lộ sự quý mến và tận tình của chủ nhà dành cho khách.
Người nào uống xong thì cầm cần cho đến khi có người khác đến uống thì trao cần lại, tránh buông cần sớm vì như vậy sẽ mất tình đoàn kết.
Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xưa đến nay. Ngoài “nghĩa vụ với các thần linh”, uống rượu cần còn biểu hiện đầy đủ tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của gia chủ. Khi uống rượu, nam nữ có thể múa hát, những người già kể chuyện cổ tích, trường ca, sử thi bên đống lửa và những ché rượu cần.
Hoàng Nguyễn