Tục nhảy lửa của người Dao
Những chàng trai người Dao nhẩy lửa với niềm tin sẽ được thần linh bảo vệ.
Truyền thuyết kể lại rằng thủy tổ của người Dao - Bàn Vương vốn hóa thân từ chó thần. Đó cũng là lý do người Dao có tục kiêng ăn thịt chó. Bàn Vương có 12 người con và ban cho mỗi người một họ riêng, khởi thủy của 12 họ người Dao sau này: Bàn, Mãn, Trần, Đặng, Tống, Lương, Hoàng, Triệu, Lưu...
Vì vậy vào mỗi dịp Tết, người Dao lại tổ chức lễ cúng Bàn Vương rất trang trọng. Tùy nơi, tùy họ mà nghi thức cúng Bàn Vương khác nhau về quy mô, lễ tiết. Có nơi người Dao cúng Bàn Vương theo từng hộ gia đình, mỗi nhà tự sắm mâm lễ gồm có rượu, thịt, xôi, bánh, nhang đèn và mời thầy cúng về làm lễ. Có nơi lễ cúng Bàn Vương được tổ chức theo thôn bản với mâm lễ có cả đôi lợn trắng, hai chỉnh rượu to. Nhưng một nghi lễ không thể thiếu trong lễ cúng Bàn Vương đó là nhảy lửa. Người Dao có quy ước cứ nhà nào trong thôn có bàn thờ thì tổ chức nhảy lửa trong 3 năm liên tục, sau đó nghỉ 3 năm rồi lại nhảy tiếp. Những chàng trai sau khi nhảy lửa xong trở về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường.
Chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, người ta sẽ đặt một đống củi to giữa sân, củi cũng phải lựa chọn loại củi khô và đượm. Chập tối, Lễ nhảy lửa bắt đầu, khi những tia lửa cháy hừng hực, phả hơi nóng vào những khuôn mặt háo hức đang quay xung quanh, thầy cúng sẽ bắt đầu bày lễ làm phép. Trong lễ nhảy lửa, nam nữ phải ngồi riêng cách xa hai phía và phải đủ 18 tuổi.
Đến khi đống củi đã cháy đượm thành đống than hồng là lúc từng chàng trai với đôi chân trần lần lượt nhảy vào đống than đỏ nóng bỏng với niềm tin sẽ được thần linh bảo vệ trước ngọn lửa. Từng lượt, từng lượt những đôi chân trần lướt qua đống than đỏ rực, lửa bắn tung tóe nhưng dường như không ai biết nóng là gì, trên mặt họ chỉ thấy sự hưng phấn tột độ khi có cổ vũ của những người quây xung quanh.
Không ai biết lịch sử ra đời của tục nhảy lửa như thế nào, chỉ biết đã được truyền lại từ lâu lắm rồi với ý nghĩa biểu dương sức mạnh, rèn luyện lòng dũng cảm mà các thế hệ người Dao cứ tiếp nối, giữ gìn và trở thành một nét độc đáo trong văn hóa lễ hội của người Dao.
Phượng Diễm