Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, gồm: Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Phu nhân/Phu quân và Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC và Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN; Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS). Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan và địa phương của Việt Nam.
Trong dịp này, các nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Chi-lê và Ca-na-đa thăm chính thức Việt Nam. Lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC; Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… cũng có các buổi tiếp xúc, làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các thành viên APEC được ký kết.
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC tập trung vào 4 ưu tiên: Một là, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó cần gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Hai là, tăng cường liên kết kinh tế khu vực; kết nối khu vực sâu rộng và hướng tới hình thành FTAAP để gắn kết chặt chẽ hơn các nền kinh tế và doanh nghiệp APEC với dòng chảy thương mại và đầu tư châu Á - Thái Bình Dương. Ba là, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung; nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động của thời cuộc. Bốn là, xây dựng Tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020. Đây chính là những nhu cầu phát triển nội tại của các nền kinh tế thành viên và xu thế chung của hợp tác quốc tế trong thế kỷ 21.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương được thành lập ngày 6-11-1989 tại thủ đô Canberra (Australia). Đây là một trong những cơ chế hợp tác đầu tiên được hình thành tại khu vực nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế và khu vực sau Chiến tranh lạnh. Sau gần 3 thập niên, hiện nay APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với 21 nền kinh tế thành viên; trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Canada, APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với chính sách đối ngoại cũng như sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, ngày 15-6-1996, Việt Nam gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC. Tháng 11-1996, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996-2000; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”. Ngày 14-11-1998, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 10 đã kết nạp Việt Nam cùng với Nga và Peru.
Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC, Diễn đàn này trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này. Bên cạnh đó, thông qua việc đóng góp và tham gia giải quyết các vấn đề chung, Việt Nam cũng tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các vấn đề mà nước ta quan tâm. Thông qua việc đóng góp và tham gia giải quyết các vấn đề chung, Việt Nam cũng tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các vấn đề mà nước ta quan tâm.
Như vậy, có thể thấy việc gia nhập APEC là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Với Năm APEC 2017, đây là lần thứ hai Việt Nam được chọn là nước chủ nhà của APEC. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Đăng Song