Tại Củ Chi (lúc ấy phần lớn thuộc huyện Hóc Môn), quần chúng cùng nhau đào đường, đắp mô, chặt cây làm chướng ngại vật dọc QL22 ngăn quân Pháp tiếp viện từ Tây Ninh về Sài Gòn và chốt chặn đánh địch ở cầu An Hạ, đánh chiếm dinh quận trưởng Hóc Môn. Cờ đỏ búa liềm tung bay khắp nơi cổ vũ khí thế chiến đấu hào hùng của quân và dân ta.
Kế tục truyền thống quật khởi của Nam Kỳ khởi nghĩa, trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Củ Chi kiên cường bám trụ chiến đấu, lập nhiều chiến công. Huyện và 21 xã, thị trấn cùng 30 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng LLVTND, có 2.027 Bà mẹ VNAH.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Củ Chi là vùng đất trắng, đầy bom đạn, chất nổ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách phù hợp vực dậy vùng đất chết, tái thiết xây dựng quê hương. Đặc biệt, những năm qua, Củ Chi có những kế hoạch cụ thể tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, mở rộng các thành phần kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay Củ Chi có 2.750 doanh nghiệp và hơn 22.000 hộ kinh doanh, góp vào nguồn thu ngân sách của huyện trên 1.550 tỷ đồng/năm, tạo tiềm lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ vùng đất trắng, cơ sở hạ tầng không có gì, đến nay huyện có 1.700 tuyến đường nhựa và bê tông, gần 800 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu trên 25.000ha đất sản xuất. Nhiều xã tiên phong thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, giá trị mỗi héc-ta đất sản xuất bình quân trên 300 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, hiện nay toàn huyện chỉ còn 3% số hộ nghèo theo tiêu chí 21 triệu đồng/người/năm.
Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi thường xuyên chăm lo, giúp đỡ các gia đình có công với nước như: ưu tiên xây tặng nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đặc biệt, gần 4.500 hội viên CCB cũng được địa phương tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo và tích cực tham gia xây dựng NTM.
Chỉ tính 5 năm qua, thực hiện mô hình “Tổ liên kết vốn”, các hội viên CCB giúp nhau tiền, cây, con giống, ngày công trị giá trên 9 tỷ đồng để làm ăn. Nhờ đó, tất cả gia đình hội viên đã thoát nghèo bền vững, nhiều người vươn lên khá giả. Các cấp Hội đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng NTM - Đô thị văn minh”, bảo vệ ANTT địa bàn, lập lại trật tự lòng lề đường, thu gom rác bảo vệ môi trường, đảm nhiệm các tuyến đường “xanh, sạch, đẹp” ở khu dân cư... Các hội viên CCB tự nguyện hiến 78.650m2 đất (trị giá 33 tỷ đồng) làm đường liên thôn, liên xã; quyên góp tiền xây tặng 20 căn nhà tình thương, tặng 6.000 phần quà và 1.230 suất học bổng trị giá 3 tỷ đồng cho gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn...
Tại Đại hội CCB huyện Củ Chi nhiệm kỳ 2017-2022, đồng chí Trương Văn Thống - Bí thư Huyện ủy nhận xét: “Trong chiến tranh, các CCB đã đứng ở tuyến đầu đánh giặc, bảo vệ cuộc sống nhân dân; trong thời bình lại đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị-kinh tế-xã hội của địa phương, làm gương cho nhân dân noi theo. Hội CCB thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Củ Chi trong quá trình xây dựng quê hương văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Năm 2005, huyện Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2015 được Thủ tướng công nhận huyện NTM. Có được thành quả này chính là nhờ ý chí Nam Kỳ khởi nghĩa, sức sáng tạo của người dân trong đó có đội ngũ CCB Củ Chi.
Bài và ảnh: Thành Viên