Từ vụ “Nghi án rửa tiền trên dự án phá sản”: Dấu hiệu giả danh, mạo nhận để chuyển nhượng bất hợp pháp?
Tranh minh họa của Lê Viết Trí******
Chuyển nhượng góp vốn bất hợp pháp?
Theo Khoản 1, Điều 110, Luật các Tổ chức Tín dụng 2010 quy định: “Công ty tài chính chỉ được dùng vốn điều lệ và các quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần”. Khoản 3, Điều 129, Luật các Tổ chức Tín dụng 2010 cũng quy định: “Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 110 của luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp”.
Dù qui định là thế nhưng tại khoản cho vay vốn 39,8 tỷ đồng (làm tròn) của PVFC (nay là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam-viết tắt là PVcombank) đối với Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester của Công ty CP công nghiệp Thiên Quan (nay là Công ty CP Dầu khí An Thịnh-gọi tắt là ATC) là chủ đầu tư, do nhà máy bị phá sản PVFC không thu hồi được nợ đã “biến hóa” khoản tiền này thành vốn góp vào ATC.
Một chuyên gia tư vấn tài chính (xin giấu tên) nhìn nhận vấn đề này, cho rằng đây là khoản vốn vay được sử dụng từ nguồn vốn huy động ngắn hạn của tổ chức tín dụng (TCTD) nên sẽ không thỏa mãn yêu cầu về nguồn vốn (Vốn điều lệ và các quỹ dự trữ là nguồn vốn dài hạn). Thêm nữa, giá trị 39,8 tỷ đồng nếu chuyển thành vốn góp chiếm tới 65% vốn điều lệ ATC (39,8 tỷ đồng/61 tỷ đồng vốn điều lệ của ATC), thì đã vượt mức “trần” 11% theo quy định tối đa cho phép. Trong khi đó tại Báo cáo tài chính năm 2012 của PVFC, khoản phải thu đối với ATC đã được “xóa sổ”, PVFC chưa bao giờ ghi nhận được giá trị 39,8 tỷ đồng này thành “khoản đầu tư của PVFC tại ATC”. Do đó PVFC chưa thể thỏa mãn điều kiện để trở thành cổ đông của Thiên Quan/ATC, chưa sở hữu cổ phần/phần vốn góp tại ATC...
Giả danh cổ đông, mạo nhận Chủ tịch HĐQT?
Thời điểm năm 2012, khi vốn góp của PVFC được biến hóa từ khoản vốn cho vay vào ATC, ông Lương Anh Cường “bỗng nhiên” làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc ATC. Việc ông Lương Anh Cường được ngồi vào chức vụ này, có ý kiến cho rằng: “Ông Cường đã tự nhận là “cổ đông chi phối” tại ATC qua việc “nhận chuyển nhượng cổ phần ATC từ PVFC”, và tự xưng là “Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc ATC”.
Nói là thế bởi như phân tích nêu trên thì PVFC chưa bao giờ là cổ đông của Thiên Quan cũng như của ATC, nên một số người cho là ông Cường đã giả danh và tự mạo nhận là cổ đông chi phối để được làm Chủ tịch HĐQT? Chuyện “lạ” này chưa dứt thì ngay trong năm 2013, ông Lương Anh Cường còn “bán bớt” 19,5% vốn điều lệ của ATC (tổng mệnh giá 11.895.000.000 đồng) với giá 1 đồng/1 cổ phần cho Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam (trang 18, Báo cáo tài chính kiểm toán Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam ngày 31-12-2013 ghi nhận “Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vào Công ty CP Dầu khí An Thịnh” trị giá 1.189.500 đồng”) - một công ty con của PVFC. Việc bán 19,5% vốn điều lệ này khiến cho nhiều cổ đông nghi ngờ giao dịch này có dấu hiệu lừa đảo và đây chỉ là việc chuyển nhượng ảo cổ phần không hề có thực có “bàn tay” nào đó điều khiển?
Ở một khía cạnh khác, nhìn ở góc độ PVFC chưa phải là cổ đông “xịn” của ATC thì trước mắt cần phải sớm kiểm tra lại thủ tục bầu thành viên HĐQT của ATC đối với cá nhân ông Lương Anh Cường. Nếu trường hợp thủ tục này không phải do cổ đông ATC thực hiện, ông Cường không thể có tư cách là thành viên HĐQT và không phải là Chủ tịch HĐQT ATC... Thêm nữa, như Báo CCB Việt Nam đã thông tin ở những bài viết trước, ông Lương Anh Cường còn đang tự ý sử dụng trái phép gần 2ha đất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ở KCN Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên để cho một đơn đơn vị tư nhân thuê lại trái phép từ tháng 5-2012, với số tiền thu được tính đến thời điểm này cũng “tròm trèm” trên dưới 8 tỷ đồng. Cho nên hơn bao giờ hết, cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật của tỉnh Hưng Yên, của Bộ Công an và Tập đoàn Dệt may Việt Nam cần khẩn trương vào cuộc xem xét cá nhân ông Cường chiếm hưởng bao nhiêu và chiếm hưởng như thế nào từ việc cho thuê trái phép tài sản Nhà nước này cũng như xem xét những phi vụ chuyển nhượng cổ phần nêu trên có đúng qui định của pháp luật hay không?
Doanh Chính - Hoàng Thanh***"Một điều khá giật mình, vào thời điểm tháng 3-2013, giữa PVFC và ATC còn thực hiện một phi vụ ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần táo tợn. Cổ phần mà PVFC chuyển nhượng cho ATC là số cổ phần phổ thông của Công ty CP đầu tư và kinh doanh tài sản Việt Nam (VN Assets) - một đơn vị con của PVFC. Tổng số lượng cổ phần chuyển nhượng lên tới 20.605.675 cổ phần với giá trị chuyển nhượng bèo bọt, chỉ có 20.605.675 đồng (tức là bán chỉ có 1 đồng/1 cổ phần). Trong khi đó cổ đông thể nhân của VN Assets từ đầu năm 2007, sở hữu 10.000 cổ phần VN Assets, đã phải bỏ ra số tiền 100.000.000 đồng, gấp gần 5 lần giá trị đầu tư của ATC ở phi vụ mua hơn 20 triệu cổ phần của PVFC... Ngoài ra, PVFC (nay là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - viết tắt là PVcombank) còn làm trái ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cho nhân viên của công ty “thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư trả chậm”. Những vấn đề này Báo CCB Việt Nam sẽ phân tích, thông tin cụ thể ở những số báo tới đây".***