Từ vụ 300m2 đất đóng thuế gần 4,5 tỷ đồng: Cần gỡ khó cho người dân

Bà Hồng cạnh khu đất xin chuyển đổi thành đất ở được thông báo tiền thuế lên tới gần 4,5 tỷ đồng.

Việc thu tiền sử dụng đất quá cao khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu, trao đổi với Bộ Tài chính để có hướng xử lý phù hợp.

Phải nộp 4,5 tỷ đồng để chuyển 300m2 đất vườn sang đất ở

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An đã có báo cáo gửi UBND tỉnh liên quan đến giá đất khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1971, trú tại phường Hưng Lộc, TP. Vinh (cũ), nay là xã Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An). Thửa đất bà Hồng nộp hồ sơ xin chuyển đổi 300m2 đất vườn trong diện tích đất của gia đình sang đất ở. Ngày 23-6, mới được nhận thông báo số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước khi chuyển đổi lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Số tiền thuế bà Hồng được thông báo khiến bà và nhiều người dân choáng váng.

Đáng nói, bà Hồng nộp hồ sơ trước thời điểm bảng giá đất mới của UBND tỉnh Nghệ An có hiệu lực, nhưng khi xác định nghĩa vụ tài chính, cơ quan thuế áp dụng bảng giá mới. Đơn vị thuế cho rằng, giá này được tính từ thời điểm UBND TP. Vinh ban hành quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với phần diện tích trên (ngày 17-6), tức là sau thời điểm tỉnh Nghệ An ban hành bảng giá đất mới (21-5). Theo đó, giá đất tại khu vực này đã được tăng từ 1,9 triệu đồng/m2, lên 15 triệu đồng/m2. Bà Hồng thuộc đối tượng nộp 100% chênh lệch giá đất ở và đất nông nghiệp, do đó số tiền thuế phải nộp gần 4,5 tỷ đồng là được tính đúng giá, đúng quy định.

Chia sẻ với phóng viên, bà Hồng cho biết: Bản thân không biết về quy định phân lớp, cũng không được cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích hay cung cấp thông tin quy định phân lớp để xác định giá đất tính thuế. Theo bà Hồng, nếu bằng 60% giá đất hiện tại là 15 triệu đồng/m2, giá đất để tính thuế cho phần diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng của gia đình bà sẽ rơi vào khoảng 9 triệu đồng, số tiền phải nộp vào ngân sách khoảng 2,7 tỷ đồng. Bà Hồng cho rằng, mức thuế này cũng là con số rất lớn đối với gia đình trong thời điểm này.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CCB Việt Nam, ông Nguyễn Duy Nhật - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An - xác nhận thông tin người dân phản ánh về bảng giá đất mới. “Tỉnh Nghệ An đã xây dựng bảng giá đất mới theo nguyên tắc sát với giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, bảng giá này chỉ tiệm cận khoảng 70-80% giá thị trường. Việc người dân phải nộp 100% tiền sử dụng đất khi chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở là thực hiện theo quy định hiện hành” - ông Nhật nói.

Sẽ rà soát, kiến nghị sửa đổi quy định bất hợp lý

Trước những bất cập nảy sinh trong thực tiễn khi áp dụng quy định về bảng giá đất mới, ông Mai Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, giá đất được quy định bởi khung giá đất do Nhà nước ban hành. Địa phương căn cứ khung đó để quy định bảng giá đất sao cho mức trần không bị vượt khung. Điều này dẫn tới giá đất có sự chênh lệch lớn so với giá trên thị trường.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, việc thu hồi đất rất khó khăn, giá đất rất thấp dẫn tới triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia rất chậm. Ông Phấn khẳng định: “Việc thu tiền sử dụng đất phải theo quy định tại luật Đất đai. Tuy nhiên, qua thực tiễn, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, tiến hành trao đổi, phối hợp với Bộ Tài chính để có hướng xử lý.

Làm sao đảm bảo hài hòa giữa việc người có đất bị thu hồi được bồi thường sát với giá thị trường và người có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng phải nộp số tiền phù hợp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Giá đất cần tiệm cận giá thị trường, song cần phân định ra các đối tượng, loại đất. Ví dụ, người sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong đất thổ cư trước đây là đất ở và các loại đất khác, có thể xem xét tỷ lệ thu tiền sử dụng đất giảm đi chứ không phải là 100%”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) phân tích, mới đây, bộ này đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thu tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình. Luật Đất đai 2024 bỏ khung giá đất, giao địa phương ban hành bảng giá đất để tiệm cận hơn với giá thị trường.

Bộ Tài chính đã lường trước khả năng bảng giá đất sẽ tăng, trong khi đó, nghĩa vụ tài chính vẫn được tính theo giá trong bảng giá đất. “Sau khi tổng hợp báo cáo từ các địa phương, bộ sẽ đánh giá toàn diện và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để rà soát, kiến nghị sửa đổi quy định trong luật” - bà Hoa nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản thông tin thêm, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nội dung nhằm xử lý các trường hợp chuyển tiếp. Khoản bổ sung này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở (trước đây được xác định là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở) sang đất ở.

Liên quan đến chính sách thu tiền sử dụng đất khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn ao sang đất ở trong cùng một thửa đất, ngày 24-5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố. Tại công văn này, Bộ Tài chính xin ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo đó, dự thảo của Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh về mức thu bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở và đất nông nghiệp.

Mạnh Hải