Năm 1998, xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ Chương trình trồng rừng ngập mặn – phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, ông Vũ Văn Hằng tham gia ban chỉ đạo. Từ 150ha rừng ngập mặn ban đầu, đến cuối năm 2013, Đại Hợp đã có hơn 500ha rừng ngập mặn, trải dài khắp tuyến đê biển 2 của xã Đại Hợp, vươn ra xa cách bờ từ 3-5km. Ông Hằng tranh thủ sớm, trưa, chiều tối đến từng thôn xóm vận động người dân thành lập các tổ, nhóm, trồng và bảo vệ rừng, triển khai có hiệu quả mô hình trồng và bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. Từ rừng ngập mặn, nhân dân phát triển nuôi ong lấy mật, nuôi chim cảnh, nuôi trồng thuỷ hải sản, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Riêng việc tham gia công tác tại Hội chữ thập đỏ của xã, ông Hằng có sáng kiến đặt hòm “Nhân đạo” tại trụ sở UBND xã. Nhờ vậy, từ năm 2012 đến đầu tháng 10-2013, Hội Chữ thập đỏ xã thu được 16 triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo. Những hộ dân gặp rủi ro, mất mát trong khi đi đánh bắt hải sản trên biển của xã, đều được Hội chữ thập đỏ hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Năm 2012 Hội hỗ trợ thường xuyên ba trường hợp khó khăn trong đó có 1 nạn nhân chất độc da cam với mức 200.000 đồng/người/tháng.
Sau khi dải rừng ngập mặn ven đê biển 2 của Đại Hợp được hình thành, đầu năm 2011, ông Hằng là người đầu tiên làm đơn đề nghị UBND xã cho nhận thầu một số diện tích bãi triều để đầu tư nuôi ngao. Năm đầu ông Hằng thu được trên dưới 50 tấn ngao/ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ thành công nuôi ngao của ông Hằng, một số hộ cũng đầu tư theo. Cuối năm 2011, cả xã có 30 hộ dân ra khu vực Cồn Cát thuộc thôn Quần Mục quây vùng, cắm vây, dựng ngòi, nuôi thả ngao giống. Sản lượng ngao vụ đầu của xã đạt hơn 1.700 tấn. Những hộ dân tự nuôi, tự quản lý và thu hoạch ngao, không thuê nhân công, sau vụ nuôi đầu tiên thu lãi 150-200 triệu đồng/ha. Đến nay, nghề nuôi ngao ở vùng biển xã Đại Hợp đã và đang phát triển bền vững.
VĨNH LIÊN – MINH THỦY