Từ tái cơ cấu Vinashin rút ra bài học (12/07/2010)
Một tập đoàn kinh tế rất lớn với tổng số vốn gần 90 nghìn tỷ đồng, mũi nhọn trong công nghiệp đóng tầu và hàng hải, giờ đây, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phải cơ cấu lại, tức là chẻ nhỏ ra, chia sẻ cho một số tập đoàn khác món nợ khổng lồ hơn 80.000 tỷ đồng đẻ ra trong quá trình hoạt động.
Vinashin đã thất bại, một thất bại quá lớn của mô hình tập đoàn nhà nước. Theo đánh giá của ông Trần Quang Vũ, Tổng Giám đốc Vinashin, tập đoàn này rơi vào khó khăn vì phát triển quá nóng và quản lý còn hạn chế, đầu tư dàn trải ngoài ngành nghề chính, trong đó có bất động sản. Chỉ trong vòng vài năm, Vinashin phát triển siêu tốc, có đến khoảng 200 công ty con, cháu là quá nhiều, với số lượng nhân sự lên đến gần 55.000 người.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/7, Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ khẳng định: có những việc mà Vinashin đầu tư rồi, mua tàu rồi mà Bộ GTVT, Thủ tướng cũng không biết; các bộ, các ngành liên quan cũng thiếu kiểm tra, giám sát. Đây là bài học rút ra trong quản lý.
Thực ra bài học này đã có tiền lệ, vừa mới xảy ra đối với Tập đoàn Than và Khoáng sản VN (KTV). Những tiêu cực xảy ra ở tập đoàn này Chính phủ mới vừa rút kinh nghiệm xong, mới kỷ luật về mặt Đảng và cho thôi chức đối với ông Đoàn Văn Kiển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn KTV. Những sai phạm có thể khác Vinashin nhưng bài học vẫn là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát.
Buông lỏng quản lý cũng đang diễn ra ở Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khi để xảy ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt do điều hành yếu kém, EVN phát triển quá chậm một số dự án sản xuất điện… Chính vì những lý do đó, EVN cũng sẽ phải cơ cấu lại.
Tập đoàn kinh tế là một mô hình kinh tế nhà nước được ưu tiên về vốn, về cơ hội đầu tư… để trở thành những “cú đấm thép” trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động của các tập đoàn chưa hiệu qủa. Các tập đoàn nắm 60 - 70% tài nguyên đất nước, vốn… nhưng trong năm 2008 chỉ đóng góp có 34% GDP, trong khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến 2/3 GDP, cho thấy tính hiệu quả của mô hình kinh tế này.
Văn phòng Chính phủ đã cóVăn bản số 174/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phát hiện xử lý và cảnh báo về việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính và khả năng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp. Rõ ràng chúng ta đang thiếu những biện pháp, công cụ quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Kim Loan