Nói đến đây, linh tính tôi mách bảo phải chia sẻ với Bích Trang một trong những điều còn canh cánh bên lòng mấy chục năm qua: Chú và đồng đội của chú, những người may mắn còn sống sau chiến tranh, bấy lâu rất bức xúc về trường hợp không được công nhận liệt sĩ của đồng chí Lê Xuân Phương - bộ đội xăng dầu Trường Sơn. Cùng hy sinh với Xuân Phương trong khi làm nhiệm vụ hôm đó có 4 đồng chí nữa, nhưng 4 đồng chí đó được công nhận là liệt sĩ, còn Phương lại là tử sĩ (Hôm đó, mưa to; lũ thượng nguồn rất dữ. Nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ, tổ 5 người của Xuân Phương vẫn ra hiện trường vận hành tuyến đường ống. Lũ lớn, cuốn đứt cầu treo, 5 đồng chí qua cầu cũng bị lũ cuốn và hy sinh. Phần mộ của Lê Xuân Phương được đồng đội an táng tại A Lưới, nay được quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không hiểu vì sai ở đâu, cấp nào? Mãi tận bây giờ đã hơn 40 năm đi qua, cha mẹ Xuân Phương già yếu rồi mất, mang theo nỗi đau và sự tuyệt vọng, khi nỗi oan "thua thiệt" của con chưa được hóa giải. Còn đơn vị của Phương, sau ngày miền Nam giải phóng, cũng như nhiều đơn vị thuộc Bộ đội Trường Sơn, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, một số giải tán, một số sáp nhập vào đơn vị khác; anh em đồng đội mỗi người mỗi ngả. Trong lúc đất nước khó khăn sau chiến tranh, thông tin thiếu, giao thông đi lại không thuận tiện. Mãi cho tận bây giờ mới có điều kiện gặp gỡ và kể lại cho nhau nghe chuyện vui chuyện buồn của từng người. Khi nói về việc Lê Xuân Phương đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nhưng không được công nhận liệt sĩ, ai cũng thấy buồn lòng...
Hiểu nỗi day dứt của tôi, nữ nhà báo vui vẻ nhận lời sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, khi sáng tỏ vấn đề sẽ đề nghị các cơ quan chức năng xem xét: Đây vừa là nhiệm vụ của cháu vừa làm thêm được một việc có ý nghĩa để tri ân những thế hệ cha anh đi trước - Bích Trang bày tỏ.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi lập tức gọi điện cho đồng chí Trần Thanh Tịnh - nguyên là Đại đội trưởng của Lê Xuân Phương thời ấy ra gặp Bích Trang, cung cấp thêm thông tin, tư liệu về Lê Xuân Phương.
Được biết, sau cuộc gặp gỡ như "tiền định" này, nữ nhà báo đã lặn lội vào tận A Sầu - A Lưới, tìm tới mộ của Lê Xuân Phương; làm việc với Bộ CHQS, Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành có liên quan như: Cục Người có công Bộ LĐTBXH, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng; đồng thời viết bài đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng. Nữ nhà báo còn cùng các CCB Trần Thanh Tịnh, Lê Thị Thanh và một số đồng đội khác thuộc đơn vị của Lê Xuân Phương trước đây về xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa - quê của Lê Xuân Phương để nắm bắt thêm thông tin.
Sau gần 1 năm vất vả, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng thêm năng lực sẵn có và sự thôi thúc trong tâm, quyết tìm lại chân lý cho người đã hy sinh vì nhân dân và Tổ quốc, nhà báo Bích Trang thở phào nhẹ nhõm, mừng rơi nước mắt khi đã góp phần tích cực để trả lại danh hiệu Liệt sĩ cho đồng chí Lê Xuân Phương.
Trong dịp kỷ niệm 70 Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công nhận liệt sĩ cho hơn 450 người, trong đó có liệt sĩ Lê Xuân Phương.
Tôi tin rằng, dưới suối vàng, Lê Xuân Phương và bố mẹ của anh đã ngậm cười hoan hỷ. Còn tôi và đồng đội cùng người thân của Phương mừng mà không cầm nổi nước mắt. Là những đồng đội của Lê Xuân Phương, chúng tôi chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cảm ơn nhà báo Bích Trang với tâm lực, nhiệt huyết của mình đã cùng các ban, ngành rốt ráo vào cuộc, mặc dù quá muộn màng, nhưng đã thỏa nguyện được vong linh liệt sĩ và người thân, đồng đội của anh.
Tôi cũng xin dâng hương hồn Lê Xuân Phương mấy dòng văn vần như một nén tâm nhang, nhân sự kiện đầy ý nghĩa này.
Nguyễn Văn Hoàng Phúc