Từ người làm thuê trở thành ông chủ

Sau những năm tháng làm thuê trên các con tàu, tích cóp được ít vốn, Phạm Trí Thức vay thêm, đầu tư đóng mới tàu, mua sắm lưới cụ hành nghề đánh bắt xa bờ. Anh luôn học hỏi kỹ thuật và chọn ngư trường chính là Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, anh có đội tàu đánh bắt xa bờ 3 chiếc, tổng công suất 750CV, với những dụng cụ trang bị đánh bắt hiện đại, trị giá trên 3 tỉ đồng. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Thức tổ chức một đội tàu khai thác khép kín, dùng 1 tàu chính đánh bắt, 2 tàu hậu cần tại chỗ vận chuyển đưa cá vào bờ tiêu thụ, đồng thời tiếp ứng xăng dầu, đá lạnh, nước ngọt, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho tàu khai thác. Do làm tốt công tác tổ chức sản xuất, nên thời gian đánh bắt của tàu dài hơn. Hiện nay số lao động trên đội tàu có 25 người, mỗi năm đánh bắt được 170 tấn đến 200 tấn hải sản các loại (cá xuất khẩu chiếm 60%), tổng thu nhập từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng.
Không những làm kinh tế, đội tàu của Phạm Trí Thức còn tích cực tham gia hoạt động quốc phòng an ninh, cung cấp hàng chục tin liên quan an ninh trên biển cho chính quyền và cơ quan chức năng. Thời gian qua đã giúp đỡ nhiều tàu đánh bắt cá cùng ngư trường bị hỏng máy, lai dắt 3 tàu chết máy trong cơn bão vào bờ an toàn.
Với vai trò là Uỷ viên BCH Hội CCB, đại biểu HĐND huyện Sơn Tịnh, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Nghiệp đoàn nghề cá, anh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện, mỗi năm đóng góp từ 30 đến 40 triệu đồng để ủng hộ các gia đình CCB nghèo, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, chi gần 10 triệu đồng mua sách vở, đồ dùng học tập cấp cho trên 100 em học sinh tại xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn và đóng góp cho xã 10 triệu đồng xây dựng nông thôn mới.
Anh đã được Chính phủ, các bộ ngành T.Ư và tỉnh Quảng Ngãi tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Bài và ảnh: QUANG LĨNH