Từ ngày 1/4 bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia

Năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết theo đăng ký của các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kể cả các thí sinh tự do. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017, xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang diễn ra đúng tiến độ đề ra, trong đó bao gồm chuẩn bị ngân hàng đề thi, tập huấn cho cán bộ, chuẩn bị phần mềm tuyển sinh…

[Những mốc thời gian quan trọng trong kỳ thi THPT 2017]

Từ ngày 1/4/2017 các thí sinh bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://moet.gov.vn) đã đưa phần mềm đăng ký dự thi để các Sở tập huấn cho cán bộ chạy thử phần mềm này, trong những ngày qua phần mềm chạy ổn định, chưa có vấn đề phát sinh.

Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước song vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi thông qua việc cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỉ lệ 1-1 (1 địa phương, 1 trường đại học). Tổng số cán bộ đăng ký tham gia công tác tổ chức thi, tuyển sinh năm 2017 là 42.000 người, so với năm ngoái đã giảm khoảng 18.000 người.

Các trường đại học, cao đẳng cùng tham gia công tác tổ chức thi sẽ làm cho kỳ thi tốt hơn, an toàn hơn, kết quả đảm bảo hơn. Việc phân bổ các cán bộ, giảng viên về địa phương tham gia công tác tổ chức thi sẽ đảm bảo đủ nhân lực, tiết kiệm chi phí…

Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin cho biết hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đang được tiến hành tích cực ở các địa phương và các cơ sở giáo dục. Trước thời điểm điểm các thí sinh đăng ký hồ sơ chính thức, các địa phương tổ chức khảo sát đăng kí nguyện vọng của học sinh, lấy đó làm căn cứ để tổ chức ôn tập, đồng thời đánh giá mức độ đón nhận của các em học sinh với hình thức thi chủ yếu năm nay là thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiến hành khảo sát chọn tổ hợp và môn thi trên diện rộng và nhận được kết quả khá bất ngờ là học sinh chọn thi môn Lịch sử và Địa lý cao hơn trước. Tất cả các trường đều có thí sinh đăng kí thi 2 môn này. Các trường trung học phổ thông sẽ sử dụng kỳ kiểm tra, khảo sát học kỳ 2 của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi của kỳ thi trung học phổ thông ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi. Các địa phương đã rà soát, xác định địa điểm thi phù hợp để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, tạo thuận lợi tối đa cho các thí sinh…

Năm 2017, với 5/6 môn thi, bài thi sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm và chấm trên máy tính, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo hướng thông suốt, an toàn và chính xác. Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh, giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kĩ cho kỳ thi. Bộ cũng đang tiếp tục gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm 2017 Bộ vẫn cho phép thí sinh đăng kí nhiều nguyện vọng. Bên cạnh đó, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung, hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo.” Bộ cũng yêu cầu các trường chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo…

Phương án tổ chức thi năm 2017 sẽ tiếp tục được áp dụng trong những năm 2018-2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định, đảm bảo tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được phê duyệt…

Đề thi được xây dựng theo quy trình chuẩn hóa, đảm bảo tránh sai sót

Trước sự cố sai sót trong đề thi môn Toán, Hóa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại kỳ khảo sát với hình thức tương tự như cách thức thi trung học phổ thông quốc gia với 5 bài thi, trong đó có 4 bài thi trắc nghiệm, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, trong bất kỳ cuộc thi nào, câu chuyện đề thi luôn luôn là vấn đề lớn. Những sự cố trong đề thi của Hà Nội là rất đáng tiếc và cũng góp phần cảnh báo để Bộ làm tốt hơn việc chuẩn bị đề thi, không thể chủ quan.

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí Mai Văn Trinh, để có mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề riêng, đề thi của kỳ thi này được xây dựng theo quy trình chuẩn hóa như sau, đầu tiên có bộ đề thô sau đó bộ đề này được biên tập, lựa chọn, thẩm định để chọn ra những câu hỏi sử dụng được, đưa vào bộ đề… Các đề thi được qua một vòng kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tránh sai sót.

Cũng chính vì vậy trong quy chế đã nêu rất rõ yêu cầu đối với việc in sao đề thi của sở giáo dục và đào tạo, trong đó có nêu rõ về mặt quy trình. Về việc này, Bộ đã có yêu cầu các sở khẩn trương lập kế hoạch báo cáo quy định việc in sao đề thi. Bộ cũng sẽ có những hỗ trợ các sở về mặt kỹ thuật và sẽ thực hiện nghiêm việc kiểm tra để tránh những sai sót có thể xảy ra.

Cục trưởng cục Khảo thí cho biết, cho đến nay, với quy trình xây dựng đề thi được chuẩn hóa, mọi công việc liên quan đến xây dựng bộ đề thi đang diễn ra đúng tiến độ. Số lượng câu hỏi thô, câu hỏi sau biên tập, câu hỏi sử dụng được theo đúng quy trình là khá lớn, chắc chắn đáp ứng tốt cho đề thi của năm nay. Cùng với đó, bộ đề thi sẽ được tích hợp với các chuyên gia để có bộ đề thi đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Dự kiến ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào tháng 9

Tại cuộc họp báo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm. Đồng thời, chương trình góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực cốt lõ gồm năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất…

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các vụ chuyên môn đã giải đáp tất cả các câu hỏi của báo giới như việc điều chuyển giáo viên xuống dạy học tại bậc học mầm non, đảm bảo an toàn trường học, giáo dục giới tính cho học sinh trong trường học.
Theo VN+