Từ mô hình VAC
Tôi gặp CCB Katơr Bước, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái tại Đại hội thi đua “CCB gương mẫu”, tỉnh Ninh Thuận và được anh chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Chăm, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với hai bàn tay trắng. Quê lại nghèo với tỷ lệ hộ nghèo trên 37%. Nhận thức của đồng bào hạn chế, thanh niên đến độ tuổi lao động nhưng thiếu việc làm… đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có CCB. Được bầu làm Chi hội phó CCB thôn, vợ làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, gia đình là cán bộ, đảng viên nên tôi xác định phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, phải hết nghèo”.
Năm 2009, được xã tạo điều kiện cho khai hoang 5 sào đất, anh vừa làm vừa học kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, nhất là công tác khuyến nông để có thu nhập cao. Vợ anh cũng hăng hái cùng chồng không quản ngại nắng mưa, khai hoang mở đất. Đến nay gia đình anh có 4ha đất, trong đó dùng 1ha cấy lúa nước và trồng ngô. Hằng năm cho thu hoạch cả tấn lúa và 4 tấn ngô. Đất khai hoang đến đâu trồng thêm cây keo, cây chôm chôm và các loại cây ăn quả khác… Khi đã có thu nhập khá, anh đào ao thả cá, nuôi thêm 10 con bò và nhiều heo, gà… tạo thành quy trình khép kín theo mô hình VAC; tổng thu nhập hằng năm vào khoảng 120 triệu đồng.
Khi đã thoát nghèo, anh chị tích cực phổ biến kinh nghiệm sản xuất tới bà con trong thôn; cho 2 CCB cùng chi hội mượn 1ha đất đã phục hóa, giúp 3 hộ khác nuôi 8 con bò. Do đó 5 gia đình này từng bước xóa được nghèo và cuộc sống ngày một khá hơn. Ngoài ra, anh chị còn lên cả một kế hoạch lâu dài, tiếp tục giúp đỡ những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới. Anh thường xuyên phối hợp tuyên truyền trong hội viên và nhân dân làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, động viên đồng bào bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, không phù hợp với hương ước của cộng đồng, tộc họ và pháp luật của Nhà nước.
Công Thi