Từ mô hình trang trại
Năm 1963, CCB, thương binh mất một chân Tạ Đình Chất được về nghỉ chế độ tại thôn Cả, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi ấy kinh tế gia đình ông quá khó khăn do tài sản, vốn liếng không có. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định nhận thầu 1ha khu đầm Quán Bạc, làng Đình Xá để làm trang trại. Được anh em trong gia đình, Ngân hàng CSXH và Hội CCB cho vay 45 triệu đồng, ông quy hoạch 2 mẫu ao nuôi cá thịt, 3 sào ao ươm cá giống, 4 sào đất chuồng trại, để nuôi từ 80 đến 100 con lợn; xung quanh, ông trồng 1.500 cây bạch đàn. Ông vượt lên nhiều khó khăn vất vả trong sản xuất, chăn nuôi như tự xách cám đổ cho hàng trăm con lợn ăn, dọn dẹp chuồng trại, phun nước tắm rửa, bắt giữ khi tiêm phòng dịch. Những đêm mưa to gió lớn phải đi thăm cá, theo dõi mực nước... Với người bình thường đã vất vả, mà ông là thương binh, một chân không còn nên khó khăn hơn nhiều. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, lòng say mê công việc và được gia đình, đồng đội động viên, tạo điều kiện nên ông đã thành công. Mỗi năm ông cung cấp ra thị trường từ 25 đến 30 tấn thịt lợn, 5 đến 6 tấn cá, cùng các nguồn thu từ trồng trọt, bạch đàn… Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, mỗi năm ông doanh thu trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi từ 150 đến 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình.
Từ mô hình trang trại, CCB Tạ Đình Chất ổn định kinh tế gia đình, nuôi các con trưởng thành. Ông giúp đỡ những CCB có khó khăn về lợn giống, cá giống thu hoạch xong mới trả tiền, mỗi năm từ 15 đến 30 triệu đồng; ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới hàng chục triệu đồng, hàng trăm ngày công không nhận thù lao...
CCB, thương binh Tạ Đình Chất được các cấp tặng thưởng 5 Bằng khen về làm kinh tế giỏi.
Thao Giang