Từ lái xe ôm thành nhà sáng chế
Một buổi sáng, chúng tôi tìm về thôn Cò, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, Bắc Giang gặp CCB Nguyễn Văn Quang, người có đôi bàn tay khéo léo, nghiên cứu chuyển đổi xe máy cũ thành máy bơm nước cỡ nhỏ, giá thành rẻ, phù hợp với thị trường nông thôn.
Sau ngày ra quân (5-1987) CCB Quang làm kinh tế bằng nhiều nghề như: đi đãi vàng ở Thái Nguyên, khai thác gỗ ở Quảng Ninh, làm “cửu vạn” ở Lạng Sơn, rồi làm xe ôm ở Lạng Sơn và Bắc Giang. 10 năm bươn trải, anh tích luỹ được một số kinh nghiệm và chút vốn liếng nho nhỏ để chuyển nghề. Tháng 11-1997, anh học sửa chữa xe máy, phụ giúp người em họ và gắn bó với nghề này đã 17 năm. Anh thường đi mua xe cũ, lấy phụ tùng, dồn lắp hoàn chỉnh, còn lại cân phế liệu, vẫn thấy rất lãng phí. Trong dòng xe máy giá rẻ của Trung Quốc mau hỏng, người dân lại bán đổ, bán tháo để mua các loại xe máy Nhật hoặc liên doanh. Tiếc sản phẩm cũ, anh Quang đã mày mò cải tiến thành máy bơm nước cỡ nhỏ, giá rẻ, ít hỏng hóc so với các loại sản phẩm cùng chủng loại của Nga, Mỹ, giá thành cao lại tốn nhiên liệu. Nghĩ là làm, anh đi thu mua xe máy cũ với giá khoảng 1 triệu đồng mỗi chiếc, lấy động cơ, đồng thời cải tạo hệ thống động lực, hệ thống làm mát, đi đặt bình xăng và đầu bơm phù hợp.
Máy bơm do anh làm có ưu điểm nhẹ, dễ tìm phụ tùng thay thế. Đầu bơm là loại 76mm, qua kiểm tra cốt nước bơm cao khoảng 8m và đẩy xa 150m, ít tốn nhiên liệu. Khách hàng đầu tiên của anh chính là đồng ngũ ở cùng huyện, mua về tưới ruộng và vườn, hơn 2 năm qua vẫn chạy tốt. Tiếng lành đồn xa, nhiều đồng ngũ ở Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Sơn đã tìm đến mua máy. Việc cải hoán máy bơm nước từ động cơ xe máy cũ, giải quyết việc làm ổn định cho 3 bố con và 1 thợ phụ khi cần. Tuy vậy, gia đình vẫn nuôi 3 lợn nái, 1 bò nái và làm 5 sào ruộng khoán, cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đến nay anh đã bán gần 200 máy bơm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Một người ở Mỹ Thái đi làm ăn ở Đắc Lắc cũng mang hàng chục chiếc vào đó tiêu thụ, vì máy nhẹ, tiện mang vác, phù hợp với tưới diện tích quy mô vừa. Bằng sáng kiến của mình, anh đã có nền tảng kinh tế vững chắc cho gia đình, xây dựng cho con lớn và nuôi cháu thứ hai học đại học và có phần tích luỹ…
Ghi nhận sự miệt mài đó, năm 2013, anh Quang được Hội Nông dân tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Bắc Giang trao tặng giải thưởng sáng tạo và tháng 7-2014 anh được đi dự Đại hội thi đua CCB gương mẫu do Hội CCB huyện Lạng Giang tổ chức.
Bài và ảnh:
Thân Văn Phương