Tự hào - xe “Quốc Tế”!

Sau nghi thức cắt băng hoàn tất công đoạn sửa chữa, bảo dưỡng xe "Quốc Tế", tiếp tục đưa vào trưng bày, phục vụ khách tham quan, Đại tá Đào Hải Triều-Giám đốc Bảo tàng Hậu cần Quân đội hào hứng giới thiệu với các đại biểu dự lễ về xe "Quốc Tế":
Cuối năm 1949, để tăng cường công tác vận tải quân sự, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển từ giai đoạn "phòng ngự" sang giai đoạn "cầm cự", ngày 4-8-1949, Phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng được thành lập. Đồng chí Vũ Văn Đôn được cử làm Trưởng đoàn (sau này, Thiếu tướng Vũ Văn Đôn có thời gian là Phó chủ nhiệm TCKT). Phái đoàn Mậu dịch có nhiệm vụ tổ chức mua vũ khí, trang bị... từ biên giới Việt-Trung; vận chuyển bảo đảm cho các đơn vị bộ đội trong Chiến khu Việt Bắc .
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề kể trên, yêu cầu đầu tiên là phải có phương tiện vận tải cơ giới. Sau khi tính toán các phương án, đồng chí Vũ Văn Đôn lên nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở Thái Nguyên xin gần một chục công nhân kỹ thuật biết tiếng Trung Quốc và có một ít kiến thức về xe máy, để chuẩn bị "chế tạo" ô tô. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Trưởng đoàn Mậu dịch, Tổ Kỹ thuật nhanh chóng lên Bắc Kạn, tìm kiếm, tháo gỡ vật tư phụ tùng từ các xe của quân Pháp bị ta phá hủy trong chiến dịch Việt Bắc - thu đông năm 1947.
Từ những máy móc, phụ tùng quý hiếm thu lượm được, Tổ Kỹ thuật, trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Trường, Lê Hai, Nguyễn Ngọc Khuê... đã lắp ráp thành công chiếc xe vận tải cơ giới dầu tiên của Quân đội ta. Chiếc xe được sử dụng động cơ của hãng Ford (Mỹ), ca-bin của hãng Studebarker (Đức), sắt-xi của hãng Renaul (Pháp). Động cơ tiêu chuẩn của hãng Ford chạy xăng, nhưng vì lúc đó ta thiếu xăng, nên các nhân viên kỹ thuật đã cải tiến một số chi tiết máy để chạy bằng than. Vì được lắp ráp bởi máy và phụ tùng xe của nhiều nước sản xuất, nên sau khi hoàn thành, chiếc xe được lấy tên là xe "Quốc Tế".
Sau khi hoàn thành, tổ chức chạy thử an toàn, xe "Quốc Tế" đã được sử dụng chuyển hàng chục tấn hàng trên chặng đường dài 93km từ đèo Tài Sìn Hồ về Bắc Kạn, góp phần hoàn thành kế hoạch vận chuyển đầu tiên của Cục Vận tải. Đặc biệt, xe "Quốc Tế" đã vinh dự được đưa Bác Hồ đi công tác trên địa bàn Chiến khu Việt Bắc và đưa đón một số khách quốc tế, trong đó có đồng chí Lê-ô Phi-ghe-Ủy viên TƯ Đảng Cộng sản Pháp trong dịp sang thăm căn cứ địa Việt Bắc. Ngồi trên xe "Quốc Tế" và được nghe giới thiệu quá trình "chế tạo" ra nó, đồng chí Lê-ô Phi-ghe vô cùng khâm phục tinh thần khắc phục khó khăn, sự sáng tạo và tay nghề cao của những người lính thợ Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau thắng lợi của chiến dịch Biên Giới - thu đông năm 1950, biên giới Việt-Trung được khai thông, ta nhận được ngày càng nhiều xe, xăng viện trợ của các nước anh em. Lúc này, xe "Quốc Tế" tải trọng hạn chế, lại chạy bằng than, không còn phù hợp với yêu cầu vận chuyển quy mô lớn trên cung đường dài, nên chỉ dùng vận chuyển hàng trong nội bộ Cục Vận tải.
Mặc dù năng lực vận tải hạn chế và chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn, nhưng xe "Quốc Tế" chạy bằng than là chiếc xe vận tải cơ giới được lắp ráp đầu tiên của Quân đội ta; là hiện vật minh chứng cho tinh thần khắc phục khó khăn, trí thông minh, sự khéo léo của con người Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng vì vậy mà giá trị văn hóa- lịch sử của xe "Quốc Tế" là rất to lớn; mang dấu ấn thời đại sâu sắc.
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, với giá trị văn hóa-lịch sử to lớn của mình, xe "Quốc Tế" được đưa về trưng bày lần lượt tại Nhà Truyền thống của Cục Vận tải, Bảo Tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) và hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Với giá trị văn hóa-lịch sử to lớn của mình, xe "Quốc Tế" đã cùng các sưu tập hiện vật khác của Bảo tàng giới thiệu cho đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước hiểu thêm truyền thống quý báu của Ngành Hậu cần Quân đội nói riêng và Quân đội, nhân dân Việt Nam nói chung. Đặc biệt, xe "Quốc Tế" đang được lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch thẩm định xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo Vật quốc gia. Tuy nhiên, do quá trình sử dụng vận chuyển cũng như trưng bày đã gần 70 năm, nên hiện vật hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trưng bày, phục vụ khách tham quan bảo tàng và để đạt được các tiêu chí xét công nhận là Bảo vật Quốc gia, việc sữa chữa, bảo dưỡng xe "Quốc Tế" ngày một trở nên cấp thiết.
Như một cơ duyên, Anh hùng LLVT Phan Văn Quý-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương-nguyên là chiến sĩ lái xe thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn-Đoàn 559, trong một lần thăm lại chiếc xe Din.157 mang ký hiệu DD4432 từng gắn bó máu thịt với anh một thời trên đường Trường Sơn (hiện đang được trưng bày cùng xe "Quốc Tế"), nắm bắt ý nguyện của Ban Giám đốc Bảo tàng Hậu cần, đã cùng lãnh lãnh đạo Tập đoàn chủ động đề nghị được tài trợ kinh phí để sữa chữa, bảo dưỡng xe "Quốc Tế".
Được sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên Tập đoàn Thái Bình Dương và Nhà máy Z157, việc sữa chữa, bảo dưỡng xe "Quốc Tế" đã hoàn thành, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sữa chữa, phục chế hiện vật bảo tàng.
Ngày 28-4-2016, Bảo tàng Hậu cần Quân đội tổ chức Lễ tiếp nhận xe "Quốc Tế" sau khi sữa chữa, bảo dưỡng, để tiếp tục trưng bày, phục vụ khách tham quan. Đồng thời, Bảo tàng Hậu cần cũng tổ chức tiếp nhận kỷ vật của 13 nhân chứng lịch sử. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày Quốc tế Lao động 1-5, thể hiện sự trân trọng nâng niu, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước quý báu của Quân đội ta, nhân dân ta.
Hưng Nguyễn