TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG YÊN KHANG ANH HÙNG!

Yên khang là một xã thuộc huyện Ý yên, tỉnh Nam Định. Yên Khang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bao gồm các thôn: Đô Quan, Thử Mễ, Úy Uy, Hòa Cụ, Quảng Nạp và Đồng Cách, thuộc tổng Thượng Đồng, nay thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Tên xã đã có thời kỳ đổi tên là Liên Minh. Sau khi hòa bình được lập lại, xã Liên Minh lại được đổi lại tên cũ là xã Yên Khang, ( năm 1956).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ( 1945-1954), xã Yên Khang có ví trí địa lý quan trọng, nằm ở trung tâm giao cắt giữa các vị trí quân sự mà thực dân Pháp đóng chốt để khống chế cả một khu vực rộng lớn, trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phía Bắc là chốt đặt trên Núi Gôi; phía Nam là chốt đặt trên núi Non Nước, (thuộc thành phố Ninh Bình); Phía đông có sông Đáy, phía Tây Bắc có đường số 10 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Yên Khang, do đó được xem là vùng căn cứ kháng chiến, là chỗ đứng chân, “khi tiến, khi thoái” của lực lựng quân sự chính quy và địa phương. Thực dân Pháp thì xem đây là vùng chiến lược, phải chuyển hóa thành vùng “ tề”, nếu không được thì phải “ xóa sổ”, đốt sạch, phá sạch. Chính vì vậy mà suốt chín năm kháng chiến, Yên Khang luôn luôn là vùng tranh chấp ác liệt giữa lực lượng vũ trang cách mạng với quân Pháp và quân ngụy.
Trên địa bàn nhỏ bé này, khi đó chỉ có 2756 nhân khẩu, với 745 hộ (vào những năm 1945, 1950) thế nhưng Yên Khang không năm nào là không có 5, 7 cuộc càn quét của quân đội Pháp và tay sai qua đây. Điển hình là cuộc càn quét vào ngày 26/01/1954. Trong cuộc càn quét này quân đội Pháp đã sử dụng 1 trung đoàn lính viễn chinh, 2 tiểu đoàn quân ngụy, 6 xe lội nước và nhiều xe tăng, có máy bay và pháo binh yểm trợ. Cuộc càn quét đi từ các xã dọc theo Sông Đáy qua Vĩnh Trị rồi đổ bộ lên địa bàn xã Yên Khang. Trong cuộc càn quét này, dường như tất cả nhà cửa, đình chùa trong xã đều bị cướp bóc, đốt phá. Không có bộ đội chính quy, bộ đội địa phương tại chỗ, lực lượng của ta chỉ có dân quân, du kích. Dựa vào lòng dân, từ các chiến lũy, hầm bí mật quân ta đã phản công địch quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất ngay khi chúng vừa đặt chân tới địa bàn.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, trước lực lượng quy mô lớn của địch, do không đủ vũ khí, để bảo vệ lực lượng, chúng ta buộc phải rút lui. Trước bốn bề địch đều bao vây, không thể rút ra ngoài, lực lượng của ta chỉ có thể rút xuống các hầm bí mật với sự che trở của người dân. Trong cuộc chiến đấu này nhân dân Yên Khang đã chịu nhiều tổn thất.
Đau xót hơn cả là địch đã phát hiện và khui được một hầm bí mật tại thôn Mễ Hạ. Địch đã bắt được 11 đồng chí du kích, trong đó nhiều người là Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Số đồng chí này thuộc nhiều thôn trong xã Liên Minh ( tức Yên Khang khi đó).
Trước khi bắn, địch đã tra tấn, đánh đập vô cùng dã man trước đông đảo bà con để khủng bố ý chí cách mạng của nhân dân, đồng thời khai thác thêm thông tin về lực lượng chủ lực của ta. Tất cả các đồng chí bị bắt đều dũng cảm chịu đựng, giữ vững khí tiết của người cách mạng, không khai nửa lời. Cuối cùng chúng trói tất cả 11 đồng chí thành hàng ngang, xả súng bắn chết trước mặt dân làng, sau đó chúng hất tất cả xác xuống ao. Máu của các chiến sỹ du kích Yên Khang đã nhuốm đỏ ao làng, thấm sâu nơi mảnh đất quê hương. Số các đồng chí hy sinh có 3 nữ, 8 nam, hầu hết đang ở tuổi thanh xuân, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Trong số đồng chí này có nhiều người chưa biết đến tình yêu là gì, nhiều đồng chí đã để lại vợ trẻ con thơ… Đến nay, ngày 22 tháng chạp hàng năm đã trở thành ngày giỗ của 11 đồng chí du kích xã Liên Minh hồi ấy. Với nhân dân Yên Khang, đây là ngày lịch sử, ghi nhớ công ơn liệt sỹ thứ hai (sau ngày 27/7) của địa phương.
Với tinh thần dũng cảm của nhân dân và chiến sỹ ta, trong cuộc càn quét này, địch đã phải trả giá đắt: Lực lương địa phương và du kích, trong đó có du kích xã Yên Khang đã tiêu diệt trên 100 tên địch và bắn cháy 1 xe tăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng cộng sản Việt Nam và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 9 năm kháng chiến, trong điều kiện nhiều khó khăn, gian khổ, nhất là ở địa bàn tranh chấp ác liệt, nhân dân Yên Khang luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, vào Bác, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, hết lòng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, nhân dân Yên Khang đã tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm, tiền bạc để nuôi quân; cho du kích đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn để bảo vệ lực lực lượng vũ trang. Nhiều chức sắc, phật tử đã cho du kích sử dụng các cơ sở thờ tự, đình chùa làm nơi che chở cho lực lượng vũ trang. Chính vì vậy mà nhà cửa đình chùa của xã Yên Khang đều bị thực dân Pháp đốt phá nhiều lần.
Là vùng đồng chiêm trũng, không sản xuất mầu, dường như hàng năm nhân dân Yên Khang vẫn thiếu ăn vài ba tháng. Tuy nhiên người dân nơi đây luôn luôn sẵn sàng đóng góp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Nhân dân Yên Khang không chỉ thực hiện Sắc lệnh Thuế nông nghiệp nghiêm chỉnh, mà đã có 100 % gia đình thực hiện phong trào “ Hũ gạo kháng chiến”. Phụ nữ Yên Khang tích cực tham gia phong trào “ Mùa đông binh sỹ” ( Phong trào may áo, đan áo gửi tặng chiến sỹ). Trong 9 năm kháng chiến, Yên Khang đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Nhiều gia đình khá giả đã đóng một lần cả tấn thóc cho nhà nước.
Đóng góp sức người vẫn là niềm tự hào của nhân dân Yên Khang. Chỉ tính trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với dân số nhỏ bé, Yên Khang đã có tới: 150 thanh niên tham gia quân đội, trong đó có 25 đồng chí là chiến sĩ tình nguyện quân chiến đấu tại chiến trường Lào, chiếm 6,35% dân số; có 98 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến…
Tổn thất về của cải và sự hy sinh của nhân dân Yên Khang là rất to lớn:
Có thể nói tất cả nhà cửa trong xã, từ nhà mái rạ đến nhà mái ngói đắt tiền, từ các gia đình nghèo khó đến gia đình khá giả, … đều bị địch đốt phá. Hầu hết nhà cửa trong xã đã bị giặc đốt phá nhiều lần. Nhiều vụ lúa sắp đến ngày thu hoạch cũng bị chúng chà nát…vì địch xem Yên Khang là vùng du kích, chưa bao giờ theo địch, không chấp nhận trở thành vùng “ tề” ( vùng do chính quyền của địch kiểm soát). Chỉ tính riêng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Yên Khang đã có tới 150 người bị địch giết hại, trong đó có 58 liệt sỹ, 15 thương binh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Yên Khang đã thực hiện khẩu hiệu: “ Lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân dân xã Yên Khang đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Con em Yên Khang đã hăng hái tham gia lực lượng vũ trang. Nhiều người đã vui vẻ nhập ngũ ngay khi nhận được giấy báo vào đại học. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có tới 429 người tham gia Quân đội, 39 người tham gia Thanh niên xung phong.
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Yên Khang có tới 105 liệt sỹ, (trong đó có 19 liệt sỹ tham gia chiến tranh biên giới), 61 thương binh, 49 bệnh binh ( không kể người bị nhiễm chất độc da cam). Số gia đình có 2 con là liệt sỹ là 11. Gia đình có 3 con tham gia lược lượng vũ trang là 09; có 10 người được phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có 01 người được phong “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Trong cả hai cuộc kháng chiến tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể xã hội của xã Yên Khang luôn luôn vững vàng, đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngày nay Yên Khang được xem là địa bàn không có tệ nạn xã hội. Các phong trào thi đua như xây dựng làng, xã văn hóa, xây dựng nông thôn mới đều tiến triển tốt đẹp.
Kế thừa và phát huy truyền thống cao đẹp của quê hương, con em Yên Khang nhiều người đã thành đạt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có người trở thành cán bộ cao cấp, tham gia Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam. Có người cầm quân ngoài mặt trận, đã trở thành cán bộ cấp tướng trong quân đội. Có người là chiến sỹ không quân, từng đương đầu với “thần sấm”, “ Con ma” của Mỹ; Có người đã trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, giữ vị trí trọng trách trong cơ quan khoa học quốc gia. Trên lĩnh vực kinh tế có người được ghi nhận là “ bàn tay vàng”, được Chủ tịch nước tặng “ Huy chương vàng” do những đóng góp của doanh nghiệp. Con em Yên Khang làm ăn, sinh sống, học tập ở nước ngoài luôn giữ được truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo, giúp đỡ lẫn nhau, tuân thủ pháp luật sở tại, duy trì nếp sống văn hóa Dân tộc và ký ức tốt đẹp về quê hương.
Ngày nay nhân dân Yên Khang, nhất là lớp trẻ không chỉ tự hào về quê hương mà đang nỗ lực phấn đấu để đưa Yên Khang sớm trở thành địa bàn “nông thôn mới”, xứng đáng với truyền thống Anh hùng của các thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến anh hùng của Dân tộc./.*(1) TS Cao Đức Thái, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Xuân Cải Chủ tịch UBND xã Yên Khang
*